Dấu hiệu bệnh nguy hiểm ở trẻ bố mẹ nên biết & phương pháp chữa trị
Viêm màng não, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, viêm phổi, tiêu chảy, chân tay miệng… nếu không được điều trị kịp thời, dứt điểm sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, cản trở phát triển vận động, tinh thần, trí tuệ của trẻ. Vậy dấu hiệu bệnh nguy hiểm ở trẻ là gì? Cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ bị bệnh? Phòng ngừa bệnh nguy hiểm cho trẻ thế nào?
Vừa qua, tối ngày 19/06/2024, các chuyên gia, bác sĩ của khoa Nhi BVĐK Tâm Anh đã đã giải đáp những thắc mắc cũng như giúp phụ huynh có kế hoạch chăm sóc trẻ tốt hơn qua chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Dấu hiệu bệnh nguy hiểm ở trẻ bố mẹ nên biết & phương pháp chữa trị”. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh tật ở trẻ em chủ yếu là do ảnh hưởng của môi trường lên cơ thể bé. Trong khoảng thời gian gần đây, khí hậu có nhiều nhiều sự thay đổi, nắng nóng, mưa gió thất thường nên trẻ rất dễ mắc bệnh. Một số bệnh đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng của trẻ bố mẹ cần lưu ý như:
- Bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương: viêm màng não, viêm não…
- Bệnh truyền nhiễm: sốt xuất huyết, tay chân miệng…
- Bệnh về hô hấp: viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suyễn…
- Bệnh về đường tiêu hóa: tiêu chảy…
Điều quan trọng là bố mẹ cần phải biết được những dấu hiệu nguy hiểm để đưa bé đến bệnh viện chữa trị kịp thời, nhất là khi trẻ mắc những bệnh về hệ thần kinh trung ương, với các biểu hiện: lừ đừ, lơ mơ, co giật… hay khó thở, tím tái, có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở hoặc đau bụng, xuất huyết…
Trong giai đoạn hiện nay, các bệnh về hô hấp ở trẻ như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suyễn… là các bệnh lý hiện đang chiếm số đông tại khoa Nhi – BVĐK Tâm Anh. Ngoài ra, còn có một số bé bị sốt xuất huyết, tay chân miệng và tiêu chảy cấp. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều do sự thay đổi của môi trường và hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt.
Chia sẻ thêm về sự tác động yếu tố môi trường đối với sức khỏe của trẻ, ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh, Phó khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết: “Thời tiết Hà Nội hiện cũng đang có thay đổi, gây ảnh hưởng không ít đến các em bé, nổi bật nhất là các bệnh về đường hô hấp; tiêu hóa và một ít bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết; viêm não, viêm màng nào…
Hệ miễn dịch của bé hiện chưa hoàn thiện nên sự thay đổi của thời tiết khiến bé dễ bị bệnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển thể chất, vận động của bé mà còn ảnh hưởng đến những người thân chăm sóc bé.”
Bố mẹ nên tăng cường hệ miễn dịch cho bé bằng cách:
- Đảm bảo về mặt dinh dưỡng, bé ăn đủ các nhóm chất.
- Uống đủ nước.
- Bổ sung vitamin, khoáng chất.
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường sống.
- Đảm bảo bé có một thời gian vận động đủ ở ngoài trời.
- Thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý.
- Đảm bảo thân nhiệt bé không bị thay đổi quá đột ngột.
- Đặc biệt, hạn chế cho bé tiếp xúc với những người bệnh truyền nhiễm, ví dụ virus cúm.
Các bệnh về hô hấp ở trẻ đôi khi chỉ là những bệnh thường gặp như viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, viêm Amidan; bệnh đường hô hấp dưới, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn, hen phế quản hay những bệnh lý nặng nề hơn như áp xe phổi, viêm mủ màng phổi.
Bệnh lý hô hấp vẫn là bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ, tiếp đó là tiêu hóa. Bệnh đường tiêu hóa sẽ gặp theo mùa. Mùa đông trẻ hay mắc tiêu chảy do virus Rota, các loại vi khuẩn; mùa hè trẻ hay mắc bệnh do các loại vi khuẩn liên quan đến ngộ độc thức ăn, di chuyển, du lịch. Bên cạnh đó, bệnh về đường tiêu hóa ở những trẻ lớn còn gặp các bệnh về dạ dày, tá tràng…
“Tùy theo từng bệnh cảnh, bệnh có thể diễn ra ở những mức độ nguy hiểm khác nhau. Ví dụ, ở bệnh tiêu hóa, trẻ bị tiêu chảy dấu hiệu nguy hiểm là bị mất nước, đi tiêu hoặc nôn quá nhiều, rối loạn điện giải là những hậu quả đầu tiên và cấp tính nhất. Tiếp theo đó, hậu quả xa hơn là trẻ bị suy dinh dưỡng.
Từ đây, trẻ rất dễ rơi vào vòng lặp suy dinh dưỡng và các bệnh lý về nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, hô hấp. Một hệ quả khác là hệ miễn dịch trẻ giảm, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác”, ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh cho biết thêm.
“Khi mắc bệnh, trẻ có sốt, phụ huynh cần hạ sốt đúng cách cho trẻ và theo dõi chặt chẽ các triệu chứng, đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ có dấu hiệu bệnh nặng, nguy hiểm”, BS Ngô Hà Lệ Chi, Bác sĩ khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo.
Sốt siêu vi, phát ban hay những bệnh lý gây sốt khác thì sau khi hết sốt bé tỉnh, có thể chơi bình thường không kèm các triệu chứng nặng khác. Nhưng nếu sốt kèm thở nhanh, thở mệt hay trẻ quấy khóc, li bì, bỏ ăn, bỏ bú hay có các triệu chứng đường tiêu hóa thì chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn ngay bệnh lý sốt phát ban, sốt siêu vi được. Sốt siêu vi có thể lành tính nhưng cũng có thể diễn tiến nghiêm trọng, vì trong bản chất của sốt siêu vi có sốt xuất huyết.
Vậy nên, nếu bé sốt 1-2 ngày và khi hết sốt bé tưởi tỉnh, chơi bình thường, không bỏ ăn, bỏ bú và không kèm theo các triệu chứng bệnh lý nào khác thì đó có thể là bệnh lý siêu vi đơn thuần. Còn kèm theo các triệu chứng trên thì bố mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Với những bé không có tiền căn co giật thì sốt nhẹ, bố mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách cho trẻ mặc đồ thoáng, bổ sung nước, lau nước mát, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ, bố mẹ cho trẻ dùng thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp. Liều hạ sốt phải dựa trên cân nặng của trẻ, thông thường là 10-15 miligam nhân với cân nặng của trẻ, khoảng cách 4-6 tiếng.
Chuyên mục các chuyên gia giải đáp thắc mắc của khán giả
Dưới đây là phần giải đáp của các chuyên gia khoa Nhi BVĐK Tâm Anh trước những thắc mắc của khán giả cả nước gửi về chương trình tư vấn:
1. Tại sao trẻ dễ bị sốt, ho? Cách chấm dứt vòng luẩn quẩn bệnh – sụt cân.
Con em sinh non 35 tuần, được nuôi bằng sữa công thức từ lúc 3 tháng tuổi. Hiện con đã được 4 tuổi, nặng 15.5kg nhưng thường xuyên ốm khi giao mùa. Trung bình một năm con ốm cũng khoảng 4 – 5 lần. Lần nào con cũng có các triệu chứng ho, sốt, được điều trị bằng kháng sinh kéo dài; kéo theo đó là tiêu chảy và sụt cân.
Bác sĩ cho em hỏi liệu có phải con em bị giảm sức đề kháng không ạ? Làm sao để chấm dứt vòng luẩn quẩn bệnh – sụt cân, đề kháng yếu và lại dễ nhiễm bệnh? (Khán giả Thắm gửi câu hỏi đến chương trình).
ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh, Phó khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội: Từ 6 tháng đến 6 tuổi, hệ miễn dịch của trẻ chưa ổn định, thường kém hơn, nhất là sau 6 tháng – khi miễn dịch của mẹ truyền sang con giảm. Bên cạnh đó, sinh non, không được bú mẹ hoàn toàn trong giai đoạn đầu đời (ít nhất 6 tháng đầu) sẽ khiến con dễ bị nhiễm khuẩn hơn.
Lúc này vòng lặp “nhiễm khuẩn -> điều trị -> tiêu chảy -> không tăng cân” sẽ xảy ra và kéo dài. Mẹ nên trao đổi với bác sĩ ở lần thăm khám gần nhất để được định hướng điều trị phù hợp và thực hiện một số xét nghiệm để đánh giá hệ miễn dịch của bé có bị giảm hay không. Ngoài ra, mẹ nên có những chiến lược để tăng cường miễn dịch cho con như: vệ sinh mũi họng, tay chân, môi trường xung quanh, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, tiêm vắc xin đúng và đủ liều.
2. Trẻ sốt co giật, phải làm sao?
Con em hiện 5 tuổi. Cuối năm ngoái con bị sốt co giật, kéo dài gần 1 phút, được nhập viện cấp cứu. Nay cháu lại bị ho, sốt 2 ngày liền, dùng thuốc hạ sốt thì đỡ hơn nhưng khi hết thuốc lại sốt tiếp. Bác sĩ cho em hỏi trẻ bị sốt khi nào thì nguy hiểm cần phải đến bệnh viện ạ? (Khán giả giấu tên gửi câu hỏi đến chương trình).
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Co giật là một triệu chứng nặng, tuy nhiên được chia làm 3 dạng:
Trường hợp thứ nhất, nhẹ nhất là sốt cao co giật, tạm được gọi là lành tính, hay gặp ở em bé dưới 5 tuổi. Cơn co giật toàn thân (tay, chân, mắt…) trong thời gian ngắn (khoảng mấy phút) và em bé đang trong cơn sốt cao (39-39.5 độ). Sau cơn co giật, em bé bình thường. Có khoảng 60-90% trường hợp là do em bé nóng nên co giật, không có bệnh lý nặng.
Bệnh cảnh 2 là em bé co giật do bệnh não, sốt huyết não, viêm màng nào phải đến bệnh viện ngay lập tức.
Trường hợp 3 là em bé sốt tái đi tái lại thì tiềm tàng của bệnh lý động kinh nếu em bé dưới 18 tháng mà trong gia đình có người bị co giật, em bé có khiếm khuyết về thần kinh, co giật không toàn thân, sau cơn không tỉnh. Lúc này phải đi tìm nguyên nhân của bệnh lý động kinh gây nên co giật.
3. Viêm Amidan nổi hạch
Bé 5 tuổi, thường xuyên bị bệnh hô hấp, nhất là khi trời mưa, lạnh. Gần đây, thời tiết nắng mưa thất thường, hai hôm nay bé đau họng, bỏ ăn, nổi hạch ở cổ và sốt. Mỗi ngày bé đều được vệ sinh răng miệng và súc họng bằng nước muối sáng – tối. Bác sĩ cho e hỏi có cách nào để bé có thể không diễn tiến nặng và hết được các triệu chứng ạ? (Khán giả Quỳnh Thị Nguyễn gửi câu hỏi đến chương trình).
BS Ngô Hà Lệ Chi, Bác sĩ khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Đau họng, bỏ ăn, nổi hạch ở cổ và sốt gợi ý cho bệnh viêm họng, viêm amidan hoặc khởi phát một bệnh lý đường hô hấp hoặc toàn thân nào đó.
Để tình trạng này không diễn tiến nặng và dứt điểm, ngoài việc đảm bảo vệ sinh răng miệng, súc miệng với nước muối sinh lý hai lần/ngày, mẹ có thể áp dụng thêm một số biện pháp như: đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh, chia nhỏ bữa ăn, đa dạng thực phẩm, bổ sung thêm trái cây bằng đường uống (nước ép), tiêm phòng đúng và đủ cho trẻ.
Nếu trong hai ngày các triệu chứng này không cải thiện, thậm chí bé sốt cao hơn, có dấu hiệu khó thở, bỏ ăn, quấy khóc nhiều thì nên đưa bé đi khám để chẩn đoán, chữa trị kịp thời.
4. Trẻ ngộ độc thực phẩm
Gia đình em đi du lịch, từ sáng nay đến trưa đã ăn nhiều món; trong đó có bánh mì pate và bún cá. Sau đó, chồng em bị đi ngoài phân lỏng một lần; con gái thì than đau bụng, đi ngoài phân lỏng 3 lần. Em đã cho bé uống men tiêu hóa và hiện bé sốt 38 độ, than mệt, ăn được vài muỗng cháo ấm. Bác sĩ cho em hỏi tình trạng này của con em là có nặng không ạ? Cần nhập viện không ạ? (Khán giả Trúc Lê gửi câu hỏi đến chương trình).
ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh, Phó khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội: Trường hợp của con bạn có thể là ngộ độc thực phẩm. Nếu con không có sốt thì chủ động uống men tiêu hóa, bù oresol hay các dung dịch. Nhưng ở đây con sốt, ăn uống kém, bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ hậu quả đầu tiên là mất nước, hướng dẫn bù đủ nước và điện giải; tiếp theo là loại trừ tiêu chảy nằm trong bệnh cảnh khác.
5. Tiêu chảy cấp ở trẻ
Bé nhà em 11 tháng tuổi, nặng 9kg, bị dị ứng sữa bò, uống sữa dành cho trẻ dị ứng từ 3 tháng tuổi. Bé phát triển bình thường nhưng đến tháng thứ 7 thì không lên cân nữa. Hiện tại, mỗi ngày em cho bé ăn 3 chén cháo và tập uống sữa công thức bình thường thì bé bắt đầu đi phân màu xanh, thường có chất nhầy, sau đó đi lỏng.
Đến nay là ngày thứ 4, bé mệt, em đã ngưng thử sữa mới và cho bé ăn cháo loãng nhưng vẫn còn tiêu chảy. Bác sĩ cho em hỏi nguyên nhân có phải do đổi sữa không ạ? Em nên cho bé uống men vi sinh hay thuốc gì không ạ? (Khán giả Phạm Ngọc gửi câu hỏi đến chương trình).
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Trẻ dị ứng đạm sữa bò thì bắt buộc phải ăn sữa đại thủy phân toàn thân hoặc sữa acid amin. Khi bắt đầu ăn dặm lúc 6 tháng tuổi phải chuyển sang chế độ ăn tuyệt đối không có sự phản ứng chéo giữa đạm sữa bò với các chất đạm, đường, bột.
Ở trường hợp này, em bé không lên cân là do không đủ chất dinh dưỡng. Mẹ nên kiên nhẫn, tuyệt đối không dùng các thực phẩm gây phản ứng chéo với đạm sữa bò. Sau một thời gian, bé sẽ quen dần và tăng cân trở lại. Còn nguyên nhân khiến em bé bị tiêu chảy là do đổi sữa thủy phân toàn phần quá sớm.
Điều này khiến những em bé bị dị ứng đạm sữa bò bị sụt cân, gặp tình trạng viêm đường ruột hay biếng ăn. Những em bé này ban đầu sẽ không thể tăng cân như em bé bình thường, nhưng theo thời gian sẽ được cải thiện. Khi cho bé ăn dặm, mẹ nên bổ sung thêm một ít sắt, kẽm, canxi.
6. Sốt xuất huyết ở trẻ
Bé nhà em hơn 3 tuổi, sốt 5 ngày chưa khỏi. Sốt li bì, uống hạ sốt sau 4 – 5 tiếng sau sốt lại; có ngày con sốt 1 – 2 cơn. Em có đưa con đi viện truyền nước nhưng vẫn sốt dai dẳng. Đêm qua, em đã đưa đi khám chỗ khác. Các kết xét nghiệm đều bình thường nhưng nửa đêm con bị sốt lại. Đây có phải dấu hiệu của sốt xuất huyết không ạ? (Khán giả Kate Ru gửi câu hỏi đến chương trình).
BS Ngô Hà Lệ Chi, Bác sĩ khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Trường hợp sốt kéo dài của con có thể gặp ở nhiều bệnh lý, trong đó có sốt xuất huyết. Nhưng những thông tin mà mẹ cung cấp chưa đủ để khẳng định là con có bị sốt xuất huyết hay không.
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt cao từ 2-7 ngày, đau đầu, nôn ói, phát ban, đau cơ; có thể có có chảy máu bất thường ở mũi, răng miệng; đi tiêu ra máu, đau bụng. Tốt nhất mẹ vẫn nên theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của bé. Nếu sốt cao li bì kèm theo những triệu chứng trên thì đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
7. Bệnh hô hấp – Viêm phổi ở trẻ và cách phòng ngừa
Thưa bác sĩ, con em 2 tuổi, đầu tuần bị ngạt mũi, chảy mũi ít; mấy ngày sau thì bắt đầu sốt nhẹ. Em có cho con uống vitamin C tăng đề kháng, dán miếng hạ sốt nhưng không thấy đỡ. Hiện tại con bắt đầu ho khò khè, thở rít, thở nhanh, lười ăn uống, ăn hay bị nôn ói, mệt mỏi nhiều. Đây có phải dấu hiệu của bệnh viêm phổi không ạ? Em có cần đưa cháu vào viện không ạ? (Khán giả Minh Hoàng gửi câu hỏi đến chương trình).
ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh, Phó khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội: Tình trạng của bé đã diễn ra mấy ngày nhưng không có dấu hiệu đỡ, đi kèm đó là những triệu chứng khò khè, thở rít, thở nhanh có thể đánh giá là nặng (thở rít).
Mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế, để bác sĩ xác định là bệnh lý đường hô hấp trên hay dưới? Nặng hay nhẹ? Có phải là viêm phổi không? Có thể được điều trị tại nhà không hay cần nhập viện theo dõi và điều trị tích cực.
Thực tế, bệnh viêm phổi có thể do nhiều tác nhân: virus, vi khuẩn. Ở trẻ em đa phần các bệnh lý về đường hô hấp sẽ lây qua đường giọt bắn, nên bệnh viêm phổi có thể lây qua đường hô hấp, giọt bắn. Bệnh được chia làm nhiều mức độ: nhẹ, thông thường & nặng, rất nặng.
Viêm phổi nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn gia đình chăm sóc bé tại nhà; khi có triệu chứng nặng thì đưa vào cơ sở y tế để được hỗ trợ ngay lập tức. Còn nếu bác sĩ yêu cầu nhập viện thì tình trạng bệnh đã nặng hơn với những hậu quả: suy hô hấp, thiếu oxy gây ảnh hưởng đến thần kinh trung ương và các cơ quan khác, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Viêm phổi nặng hay kéo dài do những loại vi khuẩn đặc thù có thể gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng. Một số trường hợp viêm phổi có thể dẫn đến tình trạng sốc, nhiễm khuẩn hay suy đa nội tạng. Viêm phổi do vi khuẩn không định hình rất dễ tái đi tái lại, làm đường hô hấp của bé trở nên nhạy cảm. Ở những trường hợp này bác sĩ sẽ hướng dẫn đảm bảo vệ sinh và chỉ định dùng thuốc phù hợp để giảm tái lại viêm phổi.
Để phòng ngừa viêm phổi cũng như các bệnh đường hô hấp khác, bố mẹ nên đảm bảo vệ sinh họng miệng cho trẻ, tập cho trẻ rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với những người bệnh đường hô hấp (cúm…).
Đặc biệt là tiêm vacxin để giúp hệ miễn dịch em bé tốt hơn như tiêm phòng vacxin ho gà, bạch hầu trong giai đoạn đầu đời; tiếp theo là vacxin cúm mùa, phế cầu. Bên cạnh đó, cần tiêm phòng vacxin sởi, thủy đậu nhằm hạn chế tình trạng viêm phổi sau khi mắc những bệnh này.
8. Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi
Con gái em 3 tuổi, đi nhà trẻ về cứ ốm sốt. Cách đây hai tuần cháu còn bị viêm phổi, phải nằm viện tiêm kháng sinh điều trị ở bệnh viện 5 ngày. Bác sĩ cho em hỏi là dấu hiệu nào để nhận biết cháu bị viêm phổi ạ? Bé phải dùng kháng sinh có nguy cơ kháng kháng sinh không ạ? (Khán giả Yên Vương gửi câu hỏi đến chương trình).
BS Ngô Hà Lệ Chi, Bác sĩ khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Một số dấu hiệu nhận biết viêm phổi như:
- Sốt cao khó hạ; có thể sốt nhẹ nếu trẻ bị viêm phổi do một số vi khuẩn không điển hình.
- Khó thở, thở nhanh, khò khè.
- Ho khan, ho có đờm, kéo dài; đờm có màu vàng hoặc xanh.
- Ở diễn tiến nặng hơn, trẻ bỏ bú, quấy khóc, tím tái, thở rút lõm lồng ngực, thở nhanh:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi thở nhanh 60 lần/phút.
- Trên 2 tháng đến dưới 1 tuổi thở nhanh 50 lần/phút.
- Trẻ 1-5 tuổi thở nhanh trên 40 lần/phút.
- Trẻ 5 tuổi thở nhanh trên 30 lần/phút.
Đó là những dấu hiệu nhận biết ban đầu về viêm phổi. Trẻ có các dấu hiệu trên, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán chính xác; từ đó có phương hướng điều trị phù hợp.
9. Bệnh suyễn lúc giao mùa
Bé nhà em 3 tuổi, từng được chẩn đoán suyễn và điều trị ở bệnh viện nhi lúc 2 tuổi. Lúc xuất viện bác sĩ có dặn nên mua máy khí dung dự phòng để lúc bé lên cơn suyễn có thể phun cho bé. Một năm nay bé không bị sao. Nhưng hiện miền Nam mưa nên bé bị ho nhiều về đêm, khò khè, mặt tái, dù em vệ sinh mũi thường xuyên, nhìn ngực hơi lõm.
Xin hỏi bác sĩ đây có phải dấu hiệu cảnh báo bé lên cơn suyễn không ạ? Em có thể dùng thuốc phun ở nhà cho bé được không ạ? (Khán giả An Chi gửi câu hỏi đến chương trình).
ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh, Phó khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội: Hen phế quản ở trẻ đang ngày càng gia tăng do ô nhiễm môi trường hay tỷ lệ dị ứng của trẻ tăng lên. Cơn suyễn thường xảy ra buổi đêm hay khi thời tiết thay đổi, nhất là lúc giao mùa. Suyễn là do co thắt các nhánh phế quản nhỏ làm cho trẻ khó thở.
Ba mẹ có thể thấy con thở khó khăn, lồng ngực hay cánh mũi phập phồng hay dấu hiệu tím tái là tình trạng nặng. Lúc này sẽ dùng thuốc giãn phế quản thông qua đường phun sương, phun mù để các nhánh phế quản giãn ra giúp em bé dễ thở hơn. Tuy nhiên, đây là chỉ định nên được dùng trong bệnh viện, do các bác sĩ khuyến cáo chứ không nên tự ý dùng tại nhà.
Ở đây, bé nhà hiện có những dấu hiệu nặng: tái vào buổi đêm, lồng ngực phập phồng và bé lại có bệnh suyễn trước đó. Vì vậy, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện gấp để bác sĩ đánh giá; cung cấp thêm oxy nếu bé thiếu oxy và dùng các loại thuốc giãn phế quản. Sau thời gian sẽ đánh giá xem khả năng đáp ứng của bé với thuốc, có cần phải dùng liều thứ 2 hay không.
Thời tiết thay đổi, mẹ nên đưa bé đi khám để bác sĩ kiểm tra xem có nên dùng thuốc dự phòng hay không? Nếu có thì theo mức độ nào để bé không gặp những triệu chứng trên? Vì những cơn hen liên tục sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp sau này của bé, rất dễ mắc các bệnh mạn tính, đặc biệt khi lớn tuổi bệnh này lại càng nặng nề hơn.
10. Trẻ sốt cao co giật có ảnh đến não bộ không? Uống thuốc hạ sốt nhiều có ảnh hưởng gì không?
Con em sinh năm 2020, 2 lần sốt 39 độ đã được uống hạ sốt nhưng khi đang ngồi chơi con bị lên cơn sốt cao co giật, tím người, bất tỉnh trong khoảng 2 phút. Nhập viện cấp cứu cả hai lần đều do sốt viêm họng; con bị nhiệt miệng. Về sau khi con sốt 38 độ em cho uống hạ sốt liền vì sợ lên cơn co giật. Bác sĩ cho em hỏi uống thuốc hạ sốt nhiều có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Con lên cơn co giật như vậy có cần đi điện não không ạ? (Khán giả giấu tên gửi câu hỏi đến chương trình).
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Em bé sốt cao co giật, đầu tiên mình phải xem xét độ tuổi; tiếp theo là cơn co giật có toàn thân không? Thời gian co giật ngắn không? Lúc sốt thì nhiệt độ cao bao nhiêu? Sốt 39 độ không? Và sau cơn co giật, con có sinh hoạt bình thường không? Nếu thỏa các vấn đề trên thì chỉ sốt cao co giật thôi.
Nhưng nếu em bé có những vấn đề khác: tiền căn gia đình có người co giật, cơn co giật phức tạp, kéo dài lâu, sau cơn em bé không tỉnh liền hay trên người em bé có những bệnh lý thần kinh, thì mỗi yếu tố này sẽ nhắc đến động kinh. Lúc này bác sĩ sẽ đo điện não, chụp CT hoặc MRI để tìm nguyên nhân chính xác.
Sốt thật ra là một phản ứng có lợi cho cơ thể. Nhưng khi sốt quá 38,5 độ thì sẽ gây ra các vấn đề khác. Lúc này trẻ cần hạ sốt, có thể bằng cách dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Có 2 loại thuốc hạ sốt thường dùng: Paracetamol và Doliprane. Trong đó, Paracetamol được ưa chuộng hơn, nhưng dùng nhiều bị hại gan. Ba mẹ dùng thuốc hạ sốt cho trẻ ở liều thấp, dùng 4 – 6h thì thường không gây hư hại gan. Tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt bừa bãi.
11. Tiêm vacxin phòng uốn ván, dại
Bé nhà em 22 tháng tuổi. Lúc chiều, khi đi chơi bé bị khỉ cào, có vết đỏ nhẹ, nhưng không chảy máu. Xin hỏi bác sĩ, bé có cần phải tiêm phòng uốn ván, dại không ạ? Bé đang tiêm gói tiêm 2 năm tại VNVC ạ. (Khán giả Nguyễn Hương gửi câu hỏi đến chương trình).
ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh, Phó khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội: Mẹ không cần phải cho bé tiêm phòng ngay, vì hiệu lực của vacxin vẫn còn. Thay vào đó, mẹ nên vệ sinh tại chỗ vết thương và theo dõi. Nếu vết thương bẩn hoặc gây ra bởi vật sắc nhọn có gỉ sắt thì mẹ nên đến khám và tiêm phòng đầy đủ.
12. Tay chân miệng ở trẻ
Bé gần 1 tuổi. 3 ngày nay bé nổi bọng nước ở tay và chân, miệng không thấy có nốt và không bị sốt. Em thấy triệu chứng giống bị tay chân miệng, không biết có phải không ạ? Xin bác sĩ cho em biết bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không? Biểu hiện của bệnh thế nào? Em cần phải làm gì ạ? (Khán giả Viet Huy gửi câu hỏi đến chương trình).
BS Ngô Hà Lệ Chi, Bác sĩ khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Tình trạng của bé cũng có thể gợi ý về bệnh tay chân miệng; tuy nhiên cũng có thể là các bệnh về da khác. Tay chân miệng là bệnh lý do virus đường ruột gây ra, lây lan chủ yếu ở môi trường học đường, nhà trẻ.
Đa số trẻ bị tay chân miệng ở mức độ nhẹ nhưng cũng có thể có những biến chứng: viêm cơ tim, viêm não, phù phổi cấp, thậm chí là tử vong. Vậy nên trẻ bị tay chân miệng phải tái khám định kỳ, theo dõi theo sự chỉ định của bác sĩ.
- Dấu hiệu nhận diện: có thể sốt hoặc không sốt; nổi bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, mông, bộ phận sinh dục; loét miệng ở lưỡi, nướu, họng, má; chảy nước dãi, bỏ ăn, biếng ăn, quấy khóc; trường hợp nặng có thể li bì, giật mình, run chi. Ba mẹ nên theo dõi, vì diễn tiến có thể nhanh dẫn đến biến chứng nặng.
- Dấu hiệu cần đi bệnh viện ngay: sốt cao (39 độ) liên tục, khó hạ, kéo dài trên 48h, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng. Về thần kinh, bé có thể quấy khóc, bứt rứt, nôn ói, giật mình, run chi, yếu lực tay chân, lừ đừ khó đánh thức.
13. Trẻ bị đau bụng – Nguyên nhân – Khi nào cần đi viện?
Bé nhà em 5 tuổi hay bị đau bụng quanh rốn và táo bón. Em có đưa cháu đến bệnh viện khám, bác sĩ siêu âm bụng và cho thuốc PEGinpol và men vi sinh. Hiện bé đã đỡ bón nhưng thỉnh thoảng vẫn còn đau bụng. Như vậy bé nhà em có sao không ạ? (Khán giả Kim Cuong Tran gửi câu hỏi đến chương trình).
ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh, Phó khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội: Đau bụng có rất nhiều nguyên nhân. Khoảng 80% trẻ đau bụng có thể là đau bụng chức năng (co thắt, do ăn uống…), thường không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bé, vẫn ăn uống, chơi, học tập được.
Tuy nhiên, những trường hợp đau bụng do dạ dày, tá tràng hay đau bụng lâu như này có thể là do các bệnh lý thần kinh hoặc các cơ quan khác tại bụng. Hiện bé đã đi khám, kiểm tra và siêu âm thì mẹ nên tiếp tục theo dõi bé tại nhà. Nếu đau bụng tái đi tái lại, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mẹ nên đưa bé đi khám để tìm căn nguyên sâu hơn.
Trẻ bị đau bụng phải đi khám ngay là những trường hợp đau bụng cấp cứu ngoại khoa như: đau bụng kèm theo bí trung đại tiện, đau bụng kèm theo nôn dịch mật, dịch máu hay đau tái mặt, dữ dội…
Ngoài ra, những đau bụng mà không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì nên theo dõi, nhưng chỉ nên trong một thời gian nhất định. Đau bụng tái đi tái lại nhiều lần cũng nên thăm khám để tìm căn nguyên xử trí. Những em bé lớn sẽ biết chính xác vị trí đau bụng ở đâu, nhưng em bé nhỏ lại không biết thì bác sĩ không phụ thuộc nhiều vào vị trí đau của em bé.
Mỗi loại bệnh sẽ có những biểu hiện đau khác nhau, biểu hiện đau không cố định nên cần đi khám để đánh giá mức độ đau và đưa lời khuyên cho gia đình hợp lý.
14. Tiểu đục, tiểu ít
Con em 5 tuổi, nặng 16kg. Cách đây một năm, con nhập viện do viêm ruột. Khi siêu âm phát hiện có thận trái nhỏ hơn phải nhưng bác sĩ bảo bình thường. Con rất lười uống nước, mỗi ngày bổ sung khoảng 400 ml sữa. Ban ngày con đi học mẹ không theo dõi được và khi đi học về mẹ có cho bé tiểu vào chai thủy tinh để kiểm tra màu sắc cũng như lượng nước tiểu thì thấy nước tiểu vàng, xung quanh chai có cặn màu trắng đục.
Xin hỏi bác sĩ liệu con em có bệnh gì liên quan đến thận không? Cần làm gì để tầm soát bệnh thận ở trẻ em. (Khán giả Ngoc Thuy Vo gửi câu hỏi đến chương trình).
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Trẻ tiểu ít là tiểu dưới 1ml/kg/1h hoặc thể tích nước tiểu dưới 500ml/24h. Bé có nước tiểu vàng, đục và tiểu ít thì nên kiểm tra xem có vấn đề gì về đường tiết niệu không. Bé cần được bác sĩ thăm khám để thử, phân tích nước tiểu, hồng cầu, bạch cầu chỉ số có gì bất thường không và xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận. Gia đình nên đưa bé đi khám tổng quát để biết rõ nguyên nhân.
15. Thai nhi bị giãn bể thận trái có nguy hiểm không? Khi nào cần điều trị.
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Thận ứ nước trong bào thai, từ tuần 22-27 nên làm siêu âm; trong đó, có siêu âm thận.
Nếu kết quả giãn trên 7mm thì nên theo dõi và nếu đến khi sinh ra trên 10mm thì em bé phải được theo dõi kỹ càng. Giãn trên 10mm và có những dấu hiệu tắc nghẽn cấp thì có thể can thiệp ngay khi vừa sinh ra. Hoặc giãn trên 10mm thì nên làm những chụp chiếu bàng quang niệu đạo ngược dòng hoặc xạ hình để xem có cần can thiệp không. Nhiều trường hợp phải cho kháng sinh phòng ngừa, cũng có trường hợp phải can thiệp ngoại khoa liền hay theo dõi để quyết định.
16. Bại não ở trẻ
Bé nhà em được hơn 4 tháng. Hai vợ chồng em từng làm trong nhà máy hóa chất nhưng hiện tại đã nghỉ. Em mắc bệnh tuyến giáp trước khi mang thai cháu nên lúc sinh bé khó khăn, bị ngạt, cần hồi sức sau sinh. Hiện bé vẫn chưa biết lẫy, khi đặt nằm sấp không thể ngẩng đầu lên được. Vậy có phải bé bị bại não không ạ? (Khán giả Thiên Trang gửi câu hỏi đến chương trình).
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Em bé chịu những tác động từ khi mang thai đến sinh ra, ảnh hưởng lên hệ thần kinh, gọi chung là bệnh lý bại não (tổn thương hệ thần kinh không tiến triển, xảy ra khi mang thai, trong & sau sinh).
Bệnh có thể nhận diện trên lâm sàng, hoặc qua chẩn đoán hình ảnh (CT or MRI) để xem tổn thương ở đâu, mức độ nào để can thiệp. Do đó, bạn nên đưa bé đi khám, tầm soát và đánh giá mức độ bệnh để có biện pháp can thiệp phù hợp.
17. Chụp CT phổi ở trẻ
Con em trước đó bị viêm phổi, sốt nhẹ nên gia đình chưa cháu đi chụp X-Quang, được cho về nhà uống kháng sinh. Sau 5 ngày đi tái khám thì bác sĩ nói bình thường, ho có đờm nên uống thêm siro ho. Từ đó đến nay, em có kết hợp vỗ đờm cho bé nhưng vẫn còn tiếng ran rít sau lưng và thi thoảng có ho.
Bệnh kéo dài, xin hỏi bác sĩ với trường hợp đã chụp X-quang phổi, có cần cho bé chụp thêm CT không? (Khán giả Minh Mint gửi câu hỏi đến chương trình).
ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh, Phó khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội: Tình trạng con đã ổn hơn, đánh giá viêm phổi không chỉ dựa trên X-quang mà còn khám lâm sàng. Nếu thời điểm con khám lại đến nay khoảng 2 tuần mà con vẫn ho thì mẹ nên đưa con các cơ sở y tế để đánh giá lại xem tổn thương tại phổi như nào? Tiếng rít có phải do viêm phổi không hay do hệ hô hấp đường trên, do ngạt mũi, đường mũi họng bít tắc?
Với những trường hợp viêm phổi nặng, tái đi tái lại thì sẽ chỉ định chụp CT, còn bình thường sẽ thăm khám hàng ngày. Mẹ nên đưa con đi khám, đem hết hồ sơ cũ, để đánh giá xem là triệu chứng mới xuất hiện hay cũ tái đi tái lại.
18. Khi nào chụp CT? Máy chụp CT 1975 tại Tâm Anh
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Chụp CT là phương tiện chẩn đoán hình ảnh rất tốt, được chỉ định ở trẻ em trong các cơ quan:
- Thần kinh: chấn thương sọ não, nhức đầu, viêm màng não.
- Ngực: u trung thất vùng ngực.
- Hô hấp: viêm phổi tái đi tái lại, có biến chứng, không đáp ứng điều trị.
- Bụng: u bướu, chấn thương, bất thường hệ tiết niệu.
Chụp CT với máy 1975 lát cắt tại Tâm Anh: tiếp xúc với tia X ít hơn nên ít bị hại hơn. Những em bé có chỉ định đều được chụp.
19. Trẻ bị nổi mẩn đỏ khắp người do đâu? Nguyên nhân rôm sảy, viêm da mùa hè? Hướng điều trị
Bé nhà em hay nổi mẩn đỏ khắp người. Đi tái khám đợt 1 thì bác sĩ bảo bị chàm và cho kem dưỡng về dưỡng hẹn 14 ngày tái khám lại. Đợt 2 tái khám lại thì về bé nổi nhiều hơn, nổi như nổi mề đay và không cộm như người lớn. Cho em hỏi bé có bị gì không? (Khán giả Ngọc Hằng gửi câu hỏi đến chương trình).
BS Ngô Hà Lệ Chi, Bác sĩ khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Tình trạng này có thể là dị ứng hoặc dấu hiệu của một bệnh lý tiềm tàng nào đó. Mẹ nên tránh cho con ăn thức ăn mà con dị ứng; cho con mặc đồ vải thoáng; hạn chế tiếp xúc lông; đảm bảo môi trường sống tốt, không bụi ẩm; duy trì dinh dưỡng tốt.
Mùa hè do nhiệt độ nóng nên trẻ rất dễ nổi rôm sảy hay do mặc đồ không thoáng, môi trường ảnh hưởng đến làn da bé. Việc vệ sinh, bổ sung đủ nước, dinh dưỡng, mặc đồ thoáng là việc ba mẹ nên quan tâm hàng đầu.
Phương pháp giảm ngứa bằng cách tắm lá hiện không được khuyến khích, vì không đảm bảo nguồn gốc, kiểm soát được việc có nhiễm khuẩn hay kèm theo mầm mống bệnh không. Trẻ có thể bị bội nhiễm do tắm lá. Mẹ nên đưa con đi thăm khám để bác sĩ kiểm tra, đánh giá và kê thuốc phù hợp, không tự ý dùng thuốc tại nhà.
20. Bệnh sởi ở trẻ em
Con tôi được 7 tháng rưỡi. Cách đây hai ngày trên trán cháu nổi những vết màu hồng, hôm qua thấy lan xuống vùng mũi. Như vậy có phải con tôi bị sởi không? Cháu không sốt nhưng hay quấy khóc và ăn uống không được bình thường như mọi khi. Bé đã bị sởi một lần rồi thì có bị lần hai hay không ạ? Cảm ơn BS. (Khán giả Minh Mint gửi câu hỏi đến chương trình)
ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh, Phó khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội: Sởi là bệnh truyền nhiễm. Nếu bé đã bị một lần thì khả năng bị lại rất ít. Trường hợp của bé chưa đủ kết luận là bé bị sởi. Ở thời tiết này bé dễ gặp các trường hợp về dị ứng, đồng thời bé không kèm theo sốt hay các bệnh lý về mắt, viêm long đường hô hấp nên bác sĩ không nghĩ đến bệnh sởi ở giai đoạn này.
Với những dấu hiệu này ta nên tìm nguyên nhân phát ban, có thể do dị ứng, một loại virus nào đó hay do các bệnh lý khác. Me nên cho bé đi khám để tìm nguyên nhân, từ đó có phương pháp điều trị, đặc biệt khi ban không hết sau 1-2 ngày mà có dấu hiệu lan rộng.
21. Phân biệt sởi – thủy đậu – tay chân miệng
ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh, Phó khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội: Các bệnh truyền nhiễm này đều gây ra các triệu chứng ở đường hô hấp và trên da; tuy nhiên mức độ tổn thương và các đặc thù bệnh hoàn toàn khác nhau:
- Tay chân miệng: tổn thương ở lòng bàn tay, chân, niêm mạc miệng.
- Sởi: phát ban dạng sởi, ban toàn thân, lan dần xuống toàn thân, ban hồng.
- Thủy đậu: mụn nước, lan dần xuống toàn thân.
Tuy nhiên mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, đánh giá kỹ lưỡng về mức độ, cho thời gian tái khám, kiểm tra lại mới kết luận được.
22. Viêm Amidan tái nhiễm nhiều lần có phải do kháng kháng sinh không?
Bé nhà em gần 6 tuổi, cân nặng 27kg. Từ lúc 2 tuổi tới giờ bé thường xuyên bị viêm amidan, cứ đi khám phòng khám tư ở huyện dùng kháng sinh xong về tầm 1 – 2 tháng sau lại bị. Tối ngủ thì bé thích bật quạt gió thổi vào mặt. Thói quen ăn uống thì bé cũng như các bé khác, thích ăn mấy đồ chiên, uống nước đá. Gia đình cũng đã hạn chế rất nhiều nhưng ít lâu sau cháu lại tái phát.
Trường hợp của bé nhà em có phải kháng kháng sinh rồi nên cứ tái phát hoài vậy không thưa bác sĩ? (Khán giả Bảo Lan gửi câu hỏi đến chương trình).
BS Ngô Hà Lệ Chi, Bác sĩ khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Ở trường hợp này, các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm họng gồm thích ăn đồ chiên, uống nước đá và nằm quạt gió chỉ là một phần. Con mắc bệnh không phải kháng kháng sinh mà có thể nhiễm siêu vi, vi khuẩn và chế độ sinh hoạt chưa đúng cách. Mẹ nên hướng dẫn con cách vệ sinh miệng, họng, chỉnh lại chế độ, thói quen ăn uống và tiêm vacxin.
Trong những lần điều trị nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý ngưng thuốc, dùng lại toa thuốc cũ thì cũng giúp bé điều trị chuẩn chỉnh
23. Bệnh viêm não Nhật Bản, viêm màng não mô cầu ở trẻ
Thưa PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, hiện trên các phương tiện truyền thông có thông tin về các ca bệnh viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu… và đã ghi nhận tử vong. Những căn bệnh này nguy hiểm như thế nào? Có phải bệnh thường bùng phát vào mùa hè không? Có thể phòng tránh những căn bệnh này không thưa bác sĩ?
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu là bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm ở trẻ.
Viêm não Nhật Bản do siêu vi gây ra. Bé bị bệnh sẽ bị sốt, co giật, hôn mê và có thể tử vong hay để lại di chứng nặng. Hiện đã có vacxin ngừa bệnh này, được tiêm lúc trẻ 12 tháng tuổi.
Viêm màng não do não mô cầu có rất nhiều typ khác nhau nhưng đa phần là typ B. Trẻ bị nhiễm trùng do não mô cầu có biểu hiện sốt, nổi ban hoại tử khắp người, lan nhanh và nguy cơ tử vong cao. Hiện nay cũng có vacxin ngừa bệnh này và đây là cách phòng ngừa tốt nhất hiện nay.
Mỗi lứa tuổi sẽ có biểu hiện viêm màng não khác nhau, em bé tuổi lớn thì hay đi kèm triệu chứng nhức đầu, cổ cứng, nôn ói… Còn bé nhỏ thì quấy khóc, bỏ bú. Nên khi thấy em bé bất thường, nhất là về phương diện thần kinh (thóp phập phồng, lừ đừ, lơ mơ, co giật), gia đình nên đưa bé đi khám ngay để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng, nguy hiểm. Hiện có vacxin 5in1, 6in1, phế cầu, não mô cầu vậy nên có thể ngừa được bệnh lý viêm màng não.
24. Chăm sóc trẻ mùa nắng nóng
Bé nhà em sức đề kháng rất kém, cứ ra nắng 1 lúc là đau đầu, nôn ói và kêu mệt. Mùa này cháu được nghỉ hè, em không thể ngăn cản cháu vui chơi cùng bạn bè được. Trong trường hợp trẻ chạy nhảy ngoài trời về, nóng bức thì có cách nào để hạ nhiệt độ cơ thể nhanh và an toàn không thưa bác sĩ? (Khán giả Thảo Linh gửi câu hỏi đến chương trình).
ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh, Phó khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội: Mẹ nên khuyến cáo con tránh ra ngoài vào giờ nắng nóng, giữa trưa, cao điểm; nên đi chơi ở chỗ có bóng cây, chỗ mát mẻ. Tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, mẹ nên cho bé vào phòng thoáng mát, thay đồ, lau mồ hôi nhẹ nhàng để hạ nhiệt từ từ và cho bé uống nước. Nếu vào phòng máy lạnh thì nên để quạt một lúc, sau đó bật chế độ gió để mát từ từ một cách tự nhiên.
- Đảm bảo hệ miễn dịch khỏe mạnh mẹ nên.
- Cho bé tiêm chủng đầy đủ.
- Thường xuyên khám sức khỏe.
- Tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất, protein và nước đầy đủ.
- Hoạt động ngoài trời, khoảng 30-60 phút/ngày.
- Đảm bảo về việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi họng, rửa tay.
- Không tiếp xúc với người ốm; đảm bảo môi trường sống thoáng mát, tránh bụi, ô nhiễm, lông động vật.
- Khi đi du lịch, về quê nên đảm bảo các đồ thiết yếu nên chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng.
25. Lưu ý về những bệnh lý, dấu hiệu bệnh nguy hiểm ở trẻ
Thưa PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, trước khi khép lại chương trình, bác sĩ có thể có những lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh để có thể chăm sóc sức khỏe cho trẻ, đặc biệt là trong mùa hè này? Cần phải lưu ý những bệnh lý nào có thể gây nguy hiểm cho trẻ? Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Thời tiết thay đổi, miễn dịch em bé yếu dễ dẫn đến bệnh ở trẻ, ba mẹ nên chú ý đến dấu hiệu nguy hiểm của bệnh ở trẻ:
- Thay đổi về tri giác (lơ mơ, lừ đừ, co giật);
- Dấu hiệu tím tái, khó thở;
- Dấu hiệu cảnh báo nặng của các bệnh lý (đau bụng, xuất huyết, tay chân lạnh,…);
- Biến chứng thần kinh (giật mình, co giật);
- Biến chứng về hệ thần kinh thực vật (mặt nhăn,huyết áp kém, nặng nhất là huyết áp bằng không);
- Bệnh hô hấp thì kiểm tra nhịp thở;
- Bệnh tiêu hóa thì coi bé bị mất nước không.
Quan trọng nhất là tăng sức đề kháng, chú ý dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh và tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ.
Nếu có thêm bất cứ băn khoăn, lo lắng nào, Quý vị có thể tiếp tục gửi về BVĐK Tâm Anh bằng cách đặt câu hỏi ở phần Hỏi đáp tại website tamanhhospital.vn, inbox cho fanpage BVĐK Tâm Anh, hoặc liên hệ Tổng đài của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: 024 7106 6858 – 024 3872 3872 (tại Hà Nội) và 028 7102 6789 – 093 180 6858 (tại TP.HCM) để được tư vấn chi tiết.
Xin chào và hẹn gặp lại trong những chương trình Giao lưu trực tuyến lần sau.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.