Lý do gặp thất bại sau phẫu thuật dây chằng khớp gối
Vào lúc 20h, ngày 02/07/2024, chương trình tư vấn trực tuyến “Lý do gặp thất bại sau phẫu thuật dây chằng khớp gối” sẽ diễn ra do Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện.
Chương trình có sự tham gia tư vấn trực tiếp của các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và được phát trực tiếp trên nhiều nền tảng số của các báo đài.
ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao & Nội soi, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, hệ thống dây chằng khớp gối bao gồm dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng giữa gối và dây chằng bên ngoài. 4 dây chằng này có nhiệm vụ liên kết xương đùi với các xương ở cẳng chân, giúp ổn định khớp gối, ngăn chặn những chuyển động bất thường của xương.
Khi chịu những tác động mạnh chơi thể thao, lao động, tai nạn… dây chằng có thể bị giãn, rách, thậm chí đứt hoàn toàn. Tùy vào mức độ tổn thương, tuổi tác, mong muốn của người bệnh…, bác sĩ sẽ có chỉ định phương pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật; cùng với đó là phác đồ tập vật lý trị liệu theo hướng cá thể hóa cho từng người bệnh.
Tuy nhiên cần lưu ý sau điều trị, dây chằng có thể bị tái đứt. Thông thường tỷ lệ tái đứt dây chằng sau phẫu thuật dao động từ 5 – 20% tùy từng trường hợp và kỹ thuật mổ cụ thể. Ở những trường hợp đứt một dây chằng nhiều lần, tốc độ phục hồi sau điều trị sẽ chậm hơn và nguy cơ tái đứt cao hơn.
Nguyên nhân gây thất bại sau mổ thay dây chằng có thể khách quan hoặc chủ quan, ví dụ: người có cấu trúc khớp với đường hầm mâm chày rộng, dây chằng đánh võng nhiều dễ gây quá tải lực căng; kỹ thuật mổ và chất liệu dây chằng áp dụng chưa đảm bảo hiệu quả cao; nhiễm trùng phẫu thuật; đã từng mổ dây chằng trước đó…
Một số nguyên nhân khác vào thời điểm sau phẫu thuật như người bệnh chưa tuân thủ đúng chương trình tập phục hồi chức năng; quay lại lao động, làm việc, chơi thể thao quá sớm hoặc với cường độ quá mạnh. Dinh dưỡng kém, béo phì tăng áp lực lên khớp và hút thuốc lá cũng góp phần khiến tỷ lệ thất bại mổ dây chằng chéo cao hơn.
Bác sĩ Vũ cho biết với kỹ thuật mổ thay dây chằng hiện đại, người bệnh có thể đi lại sớm ngay ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Tuy nhiên, dây chằng mới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Trong mọi trường hợp, cơ thể đều cần có đủ thời gian để tự sản xuất ra mô xơ sửa chữa các tổn thương. Trong thời gian này, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là tập phục hồi chức năng.
Các bài tập phục hồi chức năng không chỉ nâng cao sức mạnh dây chằng mà còn cải thiện sức cơ, sụn xương… để khớp gối có thể vận động nhịp nhàng. Người bệnh cần tuân thủ khắt khe chương trình tập luyện trong 2 – 6 tháng với từng giai đoạn và máy móc chuyên dụng khác nhau, tùy vào loại dây chằng được tái tạo; không nên vội vàng quay lại với thể thao.
Bác sĩ Vũ cho biết, sự kết hợp giữa các phương pháp phẫu thuật và tập phục hồi chức năng được cá thể hóa sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn, sớm quay lại với thể thao. Trong đó, tái tạo dây chằng bằng kỹ thuật all inside (tất cả bên trong) là phương pháp hiện đại đang được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Đây là phương pháp nội soi ít xâm lấn, giúp hạn chế nguy cơ chảy máu, giảm tối đa tổn thương mô mềm, rút ngắn thời gian phục hồi. Các tổn thương khác của cơ thể (nếu có) cũng được điều trị trong cùng một ca phẫu thuật.
Vậy, cụ thể vì sao dây chằng tái đứt sau mổ? Cách phát hiện sớm và xử lý ra sao? Kỹ thuật hiện đại nào giúp giảm tái đứt? Cá thể hóa phục hồi chức năng sau mổ như thế nào? Người bệnh quay lại chơi thể thao ra sao cho an toàn?…
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.