Phẫu thuật chữa dứt điểm són tiểu
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thực hiện phẫu thuật điều trị són tiểu cho nhiều phụ nữ cao tuổi, không thành công với các phương pháp thông thường.
Như trường hợp bà P., 66 tuổi, từ Campuchia sang Việt Nam điều trị són tiểu. Suốt 19 năm nay, mỗi khi bà ho, hắt hơi, nước tiểu lại rỉ ra. Do đó, đây là lần đầu tiên bà xa nhà sau nhiều năm.
Bà P. đã được nhiều bệnh viện tại Campuchia điều trị són tiểu, thử qua nhiều cách như uống thuốc, tập sàn chậu nhưng không cải thiện, còn phát sinh thêm nhiễm trùng tiểu, thận ứ nước độ 3. Bà phải đặt ống thông tiểu, uống kháng sinh, tăng uống đến 6 lít nước/ngày để đào thải vi khuẩn ra ngoài. Sau 3 tháng điều trị, cả tình trạng són tiểu, nhiễm trùng tiểu đều không cải thiện nên bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với hy vọng cứu cánh cuối cùng.
Hay như bà P.L.M.D. (85 tuổi, Bình Dương), gần năm nay đã bỏ thói quen đi dạo mỗi buổi sáng sớm và xế chiều quanh khu phố gần nhà do tiểu lắt nhắt. Bà từng được đặt vòng nâng âm đạo nhưng không cải thiện. Các bác sĩ tư vấn chỉ còn phương pháp phẫu thuật đặt lưới điều trị sa bàng quang nhưng do bà lớn tuổi nên nhiều nơi không thể phẫu thuật.
Tiến sĩ bác sĩ Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, chẩn đoán bà P. mắc tiểu không tự chủ khi gắng sức do di chứng sau xạ trị cổ tử cung cùng với lão hóa tự nhiên khiến cơ sàn chậu của bà suy yếu, không đủ sức giữ niệu đạo nằm đúng vị trí. Chính cơ chế này khiến nước tiểu dễ thoát ra không kiểm soát, nhất là khi ổ bụng chịu áp lực lớn do ho, hắt xì, mang đồ nặng. Bác sĩ chỉ định cho bà P. phẫu thuật đặt lưới nâng niệu đạo T.O.T nhằm đưa niệu đạo trở lại đúng vị trí tự nhiên, thay thế cho sức căng của cơ sàn chậu đã suy yếu.
Còn bà D. bị sa bàng quang độ 4, mức độ nghiêm trọng nhất. Bàng quang tụt xuống khỏi vị trí ban đầu, chèn ép âm đạo làm cản trở khả năng tống xuất nước tiểu, gây tiểu khó, bí tiểu, tiểu són. Người bệnh được phẫu thuật đặt lưới 4 nhánh nhằm nâng đỡ, đưa bàng quang trở lại đúng vị trí.
Sau điều trị, bà P. và D. được xuất viện sau 1-2 ngày điều trị. Trở lại tái khám sau 1 tháng, các triệu chứng són tiểu ở cả 2 người phụ nữ đều cải thiện rõ rệt.
Són tiểu giảm chất lượng sống của phụ nữ
Bác sĩ Liên cho biết phụ nữ dễ bị són tiểu hơn đàn ông do quá trình mang thai và sinh con, trọng lượng và kích thước thai nhi cũng như sự tăng cân nhanh của bản thân người mẹ tạo áp lực lớn lên bàng quang, cơ sàn chậu trong thời gian dài, khiến nhóm cơ này suy yếu, gây són tiểu trong thai kỳ. Sau sinh, nhiều bà mẹ chưa được hướng dẫn tập luyện để phục hồi cơ sàn chậu, nên tình trạng són tiểu không cải thiện, thậm chí nghiêm trọng hơn.
Quá trình lão hóa do tuổi tác và thời kỳ mãn kinh làm suy giảm nội tiết tố nữ estrogen trong cơ thể người phụ nữ cũng là nguyên nhân gây suy yếu nhóm cơ bàng quang, cơ thắt niệu đạo, cơ sàn chậu, làm giảm khả năng giữ nước tiểu của bàng quang, gây són tiểu.
Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiết niệu (thường gặp ở nữ giới hơn nam giới), phẫu thuật cắt hoặc xạ trị tử cung do ung thư, biến chứng bệnh tiểu đường, một số tổn thương hệ thần kinh… cũng có thể khiến phụ nữ gặp tình trạng này.
Một nghiên cứu do một nhóm nhà khoa học Litva thực hiện năm cho thấy phụ nữ mắc són tiểu có mức độ trầm cảm (50% so với 11%) và lo âu (29% so với 3,1%) cao hơn hẳn phụ nữ bình thường. Một nghiên cứu khác do nhóm nhà khoa học Mỹ khảo sát 2.326 phụ nữ đang đi làm nhận thấy có 37% phụ nữ mắc són tiểu, trong số đó, 88% phụ nữ cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tập trung và năng suất làm việc.
Theo bác sĩ Liên, són tiểu (hay tiểu không tự chủ) tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng tác động tiêu cực đến tinh thần, chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Tuy nhiên, bất chấp những ảnh hưởng xấu, nhiều phụ nữ không tìm cách điều trị.
Bác sĩ Liên cho biết nhiều chị em tự ti, ngại ngùng nên ít chia sẻ với người thân, ngại đến bệnh viện gặp bác sĩ. Một số phụ nữ cho rằng đây là bệnh phải mắc khi có tuổi, không chữa trị được, nên âm thầm chịu đựng.
Ước tính, són tiểu ảnh hưởng khoảng 50% phụ nữ trưởng thành trên thế giới nhưng chỉ có 25%-37,3% phụ nữ chịu ảnh hưởng chủ động tìm kiếm cách điều trị, trong đó, chưa đến một nửa được điều trị.
Bác sĩ Lê Phúc Liên cho biết hiện són tiểu có thể điều trị được bằng những phương pháp khác nhau như tập bàng quang, tập sàn chậu với máy, dùng thuốc, tiêm botox cơ bàng quang, đặt vòng nâng niệu đạo, kích thích dây thần kinh chày, laser âm đạo, phẫu thuật đặt vật liệu nâng bàng quang và niệu đạo. Tùy nguyên nhân gây són tiểu, bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.
Bác sĩ khuyên chị em phụ nữ mắc són tiểu không nên âm thầm chịu đựng, mà nên chia sẻ với người thân và chủ động đến bệnh viện khám, điều trị, sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.