Bé trai nhãn cầu giãn rộng do glocom bẩm sinh
Hà Nội _ Chị Dung (Phú Thọ) ôm con trai mới 10 tháng tuổi, vỗ về bé trai hoảng sợ trước ca phẫu thuật mắt lần thứ 3 do bệnh glocom bẩm sinh tiến triển nặng khiến đồng tử giãn to, nhãn áp tăng vượt ngưỡng bình thường.
Ngày 15/7/2024, bé trai sau khi gây mê hoàn toàn, được chuyển vào khu vực phòng mổ. PGS.TS.BS Bùi Thị Vân Anh – Trưởng khoa Phaco và Bệnh phần trước nhãn cầu, Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh trực tiếp thực hiện ca mổ đặt van dẫn lưu tiền phòng nhằm hạ nhãn áp, điều trị glocom tiến triển.
Theo chia sẻ của người mẹ, bé trai sinh đủ tháng, cân nặng 3,2kg khi mới sinh, sức khỏe bình thường. Khi bé được 4 tháng, gia đình thấy mắt trẻ lồi, mắt không linh động nên đã đi khám và được chẩn đoán glocom bẩm sinh, dị tật lồi mắt trâu, giác mạc to bẩm sinh. Bé trai được phẫu thuật mở bè 2 lần nhằm khơi thông đường thoát lưu thuỷ dịch tự nhiên của nhãn cầu nhưng nhãn áp không hạ, trục nhãn cầu vẫn dài ra nguy cơ bong rách võng mạc gây mất 1 phần hoặc hoàn toàn thị lực.
Glocom (còn gọi là thiên đầu thống, cườm nước) là tình trạng nhãn áp tăng cao, thủy dịch không lưu thông gây tổn hại thần kinh thị giác và thị trường (khoảng nhìn). Tỷ lệ mắc glocom bẩm sinh khoảng 1/10.000, khá hiếm gặp, theo thống kê của AAPOS (Hiệp hội Nhãn nhi và Lác Hoa Kỳ). Trẻ em mắc glocom bẩm sinh do sự phát triển không hoàn chỉnh của hệ thống dẫn lưu thủy dịch dẫn tới nhãn áp tăng.
Các phương pháp điều trị bao gồm dùng thuốc, phẫu thuật mở vùng bè và phẫu thuật đặt van dẫn lưu, trong đó phẫu thuật đặt van là phương pháp cuối cùng khi các điều trị trước đó không hiệu quả, bệnh tiến triển nhanh gây biến chứng.
PGS Vân Anh phẫu tích và bóc tách kết mạc, đặt đĩa van dẫn lưu vào trong củng mạc. Ống dẫn lưu dài khoảng 1,5 – 2 mm được luồn vào trong tiền phòng (nơi lưu thông thủy dịch của nhãn cầu), tránh cọ vào giác mạc gây sẹo giác mạc. Toàn bộ ca phẫu thuật kéo dài khoảng 30 phút, được thực hiện với thiết bị vi phẫu chuyên dụng, đảm bảo thao tác chính xác với biên độ chỉ vài milimet trong mắt bệnh nhi.
“Mắt của bệnh nhi đã có biến chứng giãn đồng tử, giác mạc mờ đục, lòng đen chiếm đến 90% diện tích của nhãn cầu khi nhìn bằng mắt thường. Tình trạng glocom bẩm sinh khiến giác mạc đục khó quan sát gây khó khăn khi phẫu thuật đặt van dẫn lưu, đặt van hạ nhãn áp cũng khiến nhãn cầu mềm, khó thao tác. Do đó, các thao tác cần thực hiện tỉ mỉ, việc đặt ống dẫn lưu cần được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với quá trình quá trình giảm nhãn áp, thu hẹp đồng tử sau phẫu thuật”, PGS Vân Anh chia sẻ.
Để đảm bảo an toàn trong phẫu thuật, bệnh nhi được gây mê sâu và theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình phẫu thuật với bác sĩ gây mê hồi sức và thiết bị gây mê chuyên dụng cho trẻ em. Trước đó, các bác sĩ đã khám tiền mê để đánh giá toàn trạng, tính toán lượng thuốc phù hợp đảm bảo gây mê sâu cho quá trình phẫu thuật thuận lợi, không để lại tác dụng phụ sau gây mê. Bệnh nhi tỉnh táo sau 2 tiếng, khỏe mạnh và hoạt bát.
PGS Vân Anh lưu ý với gia đình, bé trai có thể cảm cảm giác khó chịu nhưng sẽ biến mất sau vài ngày. Trong những ngày đầu, bé có thể thường xuyên dụi mắt vì thấy khó chịu, phụ huynh cần trông chừng để tránh rách vết mổ, lưu ý tra kháng sinh theo chỉ định. Tái khám sau một tuần, vết thương lành tốt, bé trai khỏe mạnh, nhãn áp duy trì trong khoảng bình thường 11 – 21 mmHg. Theo bác sĩ, quá trình thu hẹp lòng đen sẽ diễn ra từ từ và có thể kéo dài đến khi lớn.
“Gia đình đã tính phương án đưa con sang Singapore để phẫu thuật đặt van dẫn lưu điều trị glocom. Bác sĩ điều trị đã giới thiệu Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh có PGS Vân Anh, đủ thiết bị vật tư và có đội ngũ gây mê hồi sức tốt, đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật ngay tại Việt Nam”, chị Dung cho biết.
PGS Vân Anh chia sẻ, những tổn thương thần kinh thị giác không thể phục hồi, do đó cần phát hiện sớm để điều trị kịp thời, làm chậm quá trình phát triển của glocom.
Dấu hiệu của glocom bẩm sinh gồm đục giác mạc diện rộng, tăng tiết nước mắt, tăng nhạy cảm ánh sáng. Tuy nhiên, những biểu hiện này thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, càng khó khăn hơn khi trẻ chưa biết nói để chia sẻ các vấn đề khó chịu về thị lực. Có trường hợp trẻ bị glocom bẩm sinh khiến đồng tử giãn rộng như trường hợp của bé trai 10 tháng tuổi nhưng gia đình nghĩ con mắt to dễ thương, không nghĩ đây là biểu hiện bệnh lý, PGS Vân Anh chia sẻ.
Sàng lọc và phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong việc điều trị glocom, bảo tồn thị lực cho người bệnh. Dấu hiệu phổ biến nhất gợi ý cho glocom là nhãn áp tăng cao. Phương pháp đo nhãn áp thông thường sẽ thổi luồng hơi vào mắt để đánh giá phản xạ mắt, từ đó đo được áp lực nội nhãn. Với trẻ em có đặc thù khó hợp tác, nên để phát hiện glocom hay các bệnh lý nhãn khoa cần có thiết bị chuyên dụng dành riêng cho nhóm bệnh nhi.
“Hiểu rõ đặc thù của nhóm bệnh nhi, chúng tôi chủ động trang bị và sử dụng các thiết bị chẩn đoán hình ảnh dành riêng cho trẻ em” – PGS Vân Anh chia sẻ. Một số thiết bị chẩn đoán bệnh lý mắt dành riêng cho trẻ bao gồm máy chụp đáy mắt góc rộng kỹ thuật số cầm tay Phoenix ICON, máy đo khúc xạ cầm tay, máy đo điện võng mạc và dẫn truyền thần kinh thị giác,sinh hiển vi cầm tay, đo nhãn áp iCare…
Ứng dụng công nghệ mới, những thiết bị này hỗ trợ đo thông số chính xác với thời gian kiểm tra nhanh chóng, thiết kế nhỏ gọn giúp các bệnh nhi không sợ hãi, hợp tác tốt trong quá trình khám. Qua đó, bác sĩ có thêm thông tin và có thể chẩn đoán nhiều bệnh lý nhãn khoa ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, trẻ sinh non như: glocom bẩm sinh, đục thủy tinh thể bẩm sinh, bệnh lý võng mạc ở trẻ đẻ non (ROP), ung thư nguyên bào ở mắt, cận thị, xuất huyết võng mạc do hội chứng rung lắc ở trẻ…
Feel The Best – Hỗ Trợ Tăng Cường Sinh Lý Cho Nam Trưởng Thành
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.