Các mốc khám, siêu âm thai, xét nghiệm, sàng lọc dị tật thai
Đối với lĩnh vực sản khoa, siêu âm được ví như “con mắt thứ 3” giúp bác sĩ tiếp cận, nhìn thấy được em bé bên trong tử cung. Nhờ siêu âm bác sĩ có thể tầm soát và chẩn đoán sớm các dị tật bất thường ngay từ trong thai kỳ, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, giúp các em bé được sinh ra an toàn và khỏe mạnh. Chính vì thế, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu cần lưu ý và nhớ những mốc khám thai, siêu âm thai quan trọng là 12, 22, 32 và 36 tuần.
Đây là những chia sẻ của ThS.BS Hà Tố Nguyên – Giám đốc Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong chương trình tư vấn trực tuyến “Các mốc khám, siêu âm thai, xét nghiệm & sàng lọc dị tật thai không nên bỏ qua” tối ngày 10/7/2024 vừa qua. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ (ASRM), các nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp do bất thường ở tử cung, rối loạn nội tiết, mắc bệnh tự miễn, nhiễm trùng đường sinh dục, môi trường sống, tâm lý… Trong đó có khoảng 60% trường hợp sảy thai liên tiếp có liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể hoặc vấn đề về gen. Theo đó, việc xét nghiệm di truyền trước mang thai có thể giảm thiểu tối đa các nguy cơ khi mang thai và tăng tỷ lệ sinh ra các em bé khỏe mạnh. Tùy vào mỗi loại bất thường về mặt di truyền bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp giúp phụ nữ mang thai và sinh con khỏe mạnh.
ThS.BS Hà Tố Nguyên – Giám đốc Trung tâm Y học bào thai, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, siêu âm là phương pháp tầm soát sức khỏe thai kỳ quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc thai sản. Tùy theo tuổi thai và giai đoạn, mẹ bầu sẽ được bác sĩ chỉ định những mốc siêu âm phù hợp. Tuy nhiên một số cột mốc quan trọng mà các thai phụ cần lưu ý đi khám thai để được siêu âm là 12, 22, 32 và 36 tuần.
Thời điểm 12 tuần giúp phát hiện sớm thai kỳ nguy cơ cao chẳng hạn như tiền sản giật, đồng thời đây cũng là thời điểm tốt để tầm soát dị tật thai ví dụ như thai vô sọ, tật não thất không phân chia hoặc bất thường phức hợp nặng ở cơ thể như ruột, gan, tim nằm ngoài. Những dị tật này nếu chấm dứt thai kỳ ở quý 1 rất nhẹ nhàng cho thai phụ. Vì vậy, thời điểm 12 tuần vô cùng quan trọng trong việc sàng lọc bất thường thai sớm.
Ở cột mốc siêu âm 22 tuần được gọi là siêu âm hình thái học quý 2. Có khoảng 50-60% dị tật thai nhi có thể phát hiện nhờ siêu âm ở thời điểm này. Nhờ siêu âm, bác sĩ có thể tính được tuổi thai, đánh giá đường kính của thai, đánh giá lượng nước ối, cân nặng và theo dõi cử động thai cũng như đánh giá toàn diện về cấu trúc thai gồm: đầu, mặt, cổ, ngực, tim, hệ xương, bụng, dây rốn, hệ niệu dục từ đó có thể phát hiện các dị tật quan trọng ở các cơ quan này.
Một số trường hợp bất thường sẽ được bác sĩ tại Trung tâm y học bào thai xử lý bằng các kỹ thuật cao cấp như: kẹp tắc dây rốn ở cặp đa thai chung bánh nhau có biến chứng, đốt laser trong trường hợp truyền máu song thai khiến một bé đa ối, một bé cạn ối… Trường hợp thai nhi có bất thường quá nặng sẽ được chỉ định chấm dứt thai kỳ.
Thời điểm thai phụ sẽ được chỉ định siêu âm 3D – 4D giúp khảo sát phát hiện những bất thường đồng thời hỗ trợ chẩn đoán bất thường thai. Ở thời điểm này, người mẹ cũng được nhìn thấy gương mặt con trên nền tảng 3 chiều, 4 chiều.
Việc siêu âm ở quý 3 thai kỳ có vai trò rất quan trọng trong việc khảo sát lại hình thái học thai nhi để phát hiện bất thường xuất hiện muộn và có kế hoạch cho em bé lúc sinh. Không những thế, thời điểm này còn cho phép các bác sĩ phát hiện và đánh giá những rối loạn tăng trưởng thai nhi bao gồm các vấn đề như nhỏ cân, suy dinh dưỡng, giới hạn tăng trưởng trong tử cung.
Có hai thời điểm cần thiết siêu âm trong quý 3 thai kỳ là 32 tuần và 36 tuần. Đặc biệt, siêu âm ở mốc tuần thai thứ 36 giúp bác sĩ phát hiện tình trạng thai giới hạn chậm tăng trưởng tốt hơn cột mốc 32 tuần.
Nhìn chung, các mốc siêu âm thai ở tuần thứ 12, 22, 32 và 36 thường được áp dụng với những thai kỳ bình thường, riêng trường hợp thai kỳ bất thường thì bác sĩ sẽ có những chỉ định riêng, siêu âm theo dõi thai thêm vào những thời điểm khác.
Cũng trong chương trình tư vấn trực tiếp, BS.CKI Nguyễn Thị Anh Thư, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh chia sẻ “hầu hết các trường hợp đi khám thai khi đã thử thai 2 vạch, trễ kinh hoặc các dấu hiệu có thai sớm, bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra chuyên sâu hơn để xác định có thai hay không. Ngoài ra, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để xác định người mẹ có bệnh lý gì không, có tiền sử sinh non hoặc dị tật, hoặc gia đình có bất thường gì không.
BS.CKII Lê Thanh Hùng, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh cho biết, thai kỳ nguy cơ cao là thai kỳ có nguy cơ tử mẹ hoặc con hoặc cả 2 ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Tại BVĐK Tâm Anh, nếu mẹ có bệnh đái tháo đường, huyết áp trước mang thai sẽ được theo dõi thai kỳ, gửi khám chuyên khoa tim mạch, nội tiết để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, trường hợp mẹ bầu bị dọa sinh non, bác sĩ sẽ liên lạc khoa Sơ sinh tư vấn để sản phụ có thể có sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình phía trước. Hoặc trường hợp thai có dị tật có thể can thiệp sau sinh, các bác sĩ khoa Sản, Tim mạch và các chuyên khoa có liên quan sẽ tiến hành hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất để chuẩn bị sau sinh em bé có thể phẫu thuật.
Y học bào thai là chuyên ngành y khoa với mục tiêu quản lý sức khỏe mẹ và bé trước, trong, sau khi mang thai. Y học bào thai có hai đối tượng khách hàng là mẹ và thai. Mẹ và thai tuy hai mà là một, ví dụ, nếu người mẹ có bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe sẽ gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng một bào thai khỏe mạnh. Ngược lại, thai có bệnh lý cần can thiệp điều trị sinh thiết gai nhau, chọc ối phải xuyên qua thành bụng, tử cung của mẹ mới tiếp cận được.
Những bệnh nguy hiểm điển hình như tán huyết bẩm sinh (Thalassemia) hoặc hai vợ chồng có gen bệnh sẽ sinh ra các em bé bị bệnh nặng, như vậy cuộc đời các em về sau sẽ gắn liền với bệnh viện để điều trị suốt đời.
Với sự phát triển của y học hiện đại ngày nay, những bệnh nguy hiểm này hoàn toàn có thể chẩn đoán trước tiền hôn nhân. Do đó việc thăm khám trước, trong và sau khi mang thai là vô cùng quan trọng và cần thiết giúp phát hiện sớm và kiểm soát các nguy cơ tiềm ẩn, chủ động bảo vệ thai kỳ cũng như lên kế hoạch sinh nở và cứu sống bé.
Dưới đây là phần giải đáp của các chuyên gia Y học bào thai và Sản Phụ khoa của BVĐK Tâm Anh TP.HCM trước những mắc mắc của khán giả cả nước gửi về chương trình:
1. Sự cần thiết của việc sàng lọc, dự phòng tiền sản giật ở mẹ bầu
Thưa bác sĩ, hiện nay tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, việc sàng lọc và dự phòng tiền sản giật được triển khai như thế nào? Có phải tất cả thai phụ đến khám đều nên được sàng lọc không?
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Tiền sản giật là bệnh lý cao huyết áp chỉ xảy ra khi mang thai ở khoảng nửa sau của thai kỳ (từ tuần thai thứ 20 trở đi), khác với người cao huyết áp mãn tính. Khi thai phụ có chỉ số huyết áp tăng cao đột ngột, trong khi trước giờ huyết áp bình thường, thì hoàn toàn có thể nghi ngờ đây là đặc điểm của tiền sản giật. Tình trạng này xuất hiện càng sớm trong khoảng từ tuần thứ 21 – 22 thì tiên lượng cực kỳ xấu đối với kết cục của mẹ và bé. Ngoài ra, những biến chứng khác của tiền sản giật có thể xảy ra ở thai phụ như rối loạn đông máu, suy gan, suy thận, thậm chí đột quỵ, hôn mê.
Vì vậy, tiền sản giật là một tai biến sản khoa vô cùng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh sống của em bé cũng như mang đến nhiều di chứng cho sức khỏe người mẹ. Chính vì thế, việc sàng lọc và dự phòng tiền sản giật được xem là phác đồ bắt buộc cho tất cả trường hợp mang thai ở mốc từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Tùy vào tỉ lệ nguy cơ tiền sản giật ở mỗi thai phụ, các bác sĩ sẽ có chỉ định liều lượng Aspirin ở giai đoạn sớm (trước 16 tuần) giúp thai phụ dự phòng tiền sản giật với hiệu quả lên đến 80%. Do đó, việc tầm soát tiền sản giật khi mang thai và điều trị kịp thời khi phát hiện nguy cơ sẽ giúp ngăn ngừa tai biến nguy hiểm cho cả mẹ và em bé.
2. Bỏ quên mốc khám và siêu âm thai có gây ra hậu quả nghiêm trọng không?
Thưa bác sĩ, nếu chỉ siêu âm mà không khám thai thì có được không? Trường hợp em bỏ quên mốc khám thai và siêu âm thai quan trọng có gây ra hậu quả nghiêm trọng không ạ?
BS.CKI Nguyễn Thị Anh Thư: Mục đích của việc khám thai và sàng lọc thai kỳ chính là phát hiện sớm những nguy cơ cũng như dấu hiệu bất thường của thai nhi, từ đó có những dự phòng và chủ động lên kế hoạch điều trị, theo dõi thai kỳ sau sinh cho cả mẹ và bé. Theo đó, với những mẹ bầu đã bỏ qua những mốc khám thai quan trọng thì xác suất xảy ra vấn đề ở thai nhi sẽ cao hơn so với mẹ bầu khám thai đầy đủ. Vì vậy, khi thai phụ phát hiện mình đã bỏ qua các mốc khám thai trước đó, các chuyên gia khuyến cáo thai phụ nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt và mang theo những xét nghiệm trước đó đã từng thực hiện, giúp bác sĩ tham khảo và chỉ định làm thêm những xét nghiệm cần thiết tại thời điểm đó.
3. Nên làm xét nghiệm NIPT trong trường hợp nào?
Thưa bác sĩ, em vừa siêu âm thai 12 tuần bác sĩ nói da gáy rất dày, 5mm, bác sĩ có tư vấn em làm xét nghiệm NIPT, em đang rất phân vân vì không biết có nên làm NIPT hay lên Bệnh viện tuyến trên để khám lại, em đang lưu trú ở Kiên Giang. Nếu làm xét nghiệm NIPT có cần thiết siêu âm không?
ThS.BS Hà Tố Nguyên: Hiện nay, ưu điểm vượt trội của xét nghiệm NIPT là thủ thuật không xâm lấn, chỉ cần lấy máu của người mẹ để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm giúp chẩn đoán, sàng lọc em bé. Do đó, NIPT không gây ra nguy cơ sảy thai do chọc ối hay sinh thiết gai nhau. Tuy nhiên, NIPT chỉ được khuyến cáo cho những thai phụ có kết quả siêu âm da gáy dưới 3.5mm.
Trong trường hợp da gáy dày trên 3.5mm, cụ thể là 5mm như trường hợp của khán giả, đầu tiên thai phụ cần được siêu âm lại bởi những chuyên gia có kinh nghiệm để xác nhận lại độ mờ da gáy chính xác và kiểm tra những cấu trúc bất thường đi kèm, như Trisomy 13 hoặc các dị tật về não ở thai nhi.
Xét nghiệm NIPT có thể sàng lọc những lệch bội nhiễm sắc thể hay gặp ở thai nhi, tuy nhiên những bất thường về di truyền có thể bị bỏ sót. Chính vì thế, những trường hợp thai phụ được siêu âm có độ mờ da gáy dày trên 3.5mm sẽ cần siêu âm, chẩn đoán lại bởi chuyên gia và khuyến cáo thực hiện lại chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau thay vì NIPT để xác định chính xác những bất thường di truyền thai nhi đang gặp phải.
4. Chỉ số siêu âm độ dài xương đùi có liên quan đến bất thường hình thái ở thai nhi?
Em có một câu hỏi về chỉ số siêu âm chiều dài xương đùi. Hiện tại em đang ở tuần thai 30. Chiều dài xương đùi 53mm (4%). Chỉ số như vậy có đáng lo ngại về hình thái không ạ. Và có cách nào để khắc phục cho chiều dài xương đùi cải thiện không.
ThS.BS Hà Tố Nguyên: Những chỉ số thai nhi sau khi siêu âm đo đạc được bao gồm kích thước vòng đầu, chu vi vòng bụng, cân nặng thai nhi sẽ được quy chiếu với tiêu chuẩn so với tuổi thai để biết được rằng kích thước thai đang ở trong khoảng bình thường hay không. Do đó, việc chẩn đoán chính xác tuổi thai rất quan trọng để đảm bảo kết quả chẩn đoán hình thái em bé được chuẩn xác nhất. Trong đó, việc tính toán ngày dự sinh để tính tuổi thai ở mốc siêu âm đầu tiên, khoảng 10 – 12 tuần được cho là kết quả dự sinh chính xác nhất.
Thực tế, việc so kết quả siêu âm bào thai với bảng biểu của nước ngoài là không phù hợp với thể trạng người châu Á, đặc biệt là Việt Nam, nên so sánh này chỉ mang tính chất tham khảo chứ chưa thể kết luận thai nhi bị bất thường hình thái hay không. Đặc biệt, những em bé xương đùi ngắn được cho là bình thường khi có ông bố bà mẹ người châu Á với thể trạng thấp bé hoặc bào thai chỉ thuộc dạng nhỏ.
Nhằm loại bỏ khả năng thai nhi mắc hội chứng Down, thai phụ sẽ được khuyến cáo thực hiện lại xét nghiệm tầm soát lệch bội NIPT, trong trường hợp đã xét nghiệm sàng lọc nhiều lần và kết quả NIPT cho thấy nguy cơ thấp đối với Trisomy số 21 thì dấu hiệu xương đùi ngắn ở thai nhi là bình thường và có thể siêu âm theo dõi tiếp.
5. Nguyên nhân thai nhi chậm tăng trưởng
Em mang thai 30 tuần, thai chậm tăng trưởng, 30 tuần chỉ nặng 1,3 ký. Mặc dù em tăng 12 ký và không có tiểu đường thai kỳ. Vậy em cần làm các kiểm tra gì để biết nguyên nhân từ đâu?
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Theo tiêu chuẩn cân nặng ở thai nhi 30 tuần sẽ rơi vào khoảng 1,4kg đến 1,5kg. Với trường hợp thai 1,3kg khiến người mẹ lo lắng thai chậm tăng trưởng, thai nhẹ cân, thì các chuyên gia khuyến cáo thai phụ cần đi thăm khám lại một cách kỹ lưỡng để kiểm tra tuổi thai chính xác, đồng thời xác định những yếu tố nguy cơ từ người mẹ để loại trừ những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến thai kỳ. Để có được những đánh giá đúng nhất về thai chậm tăng trưởng, thai phụ cần thực hiện nhiều lần siêu âm liên tiếp với cùng một bác sĩ chẩn đoán để có kết quả chính xác và đồng bộ nhất.
6. Dị tật bàn tay 6 ngón có thể điều trị sau sinh hay không?
Vợ em mang thai bé đầu, siêu âm thì hai tay đều có dị tật 6 ngón. Bác sĩ nói không cần đình chỉ thai vì dị tật đơn giản sau sinh có thể phẫu thuật được. Vợ em dự sinh vào tháng 8 tới, định sẽ sinh ở bệnh viện Tâm Anh vì thấy ở bệnh viện đã phẫu thuật cho nhiều bé dị tật dư ngón. Em muốn biết sau sinh thì phẫu thuật vào thời gian nào là thích hợp? Mong bác sĩ tư vấn
BS.CKI Nguyễn Thị Anh Thư: Tại Trung tâm Y học bào thai, BVĐK Tâm Anh, khi phát hiện thai phụ có một bất thường hoặc dị tật trong quá trình khám thai, các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện thêm nhiều xét nghiệm sàng lọc khác đồng thời kiểm tra một số bệnh lý của người mẹ trong quá trình khám thai và siêu âm thai. Trong trường hợp chỉ phát hiện một dị tật 6 ngón mà không kèm theo các bất thường hoặc dị tật nào khác, thì thông thường sau khi sinh các bác sĩ Trung tâm Y học bào thai sẽ hội chẩn cùng các bác sĩ Nhi Sơ sinh để đánh giá lại tình trạng em bé thời điểm đó, cuối cùng đưa ra phác đồ điều trị, thời gian thực hiện phẫu thuật cũng như kế hoạch chăm sóc tốt nhất cho em bé.
7. Tầm quan trọng của mốc siêu âm quý 2 phát hiện dị tật hoặc bất thường ở thai nhi
Thưa bác sĩ, em 27 tuổi, mang thai lần đầu. Thời điểm 12 tuần em đã đi khám thai siêu âm và làm xét nghiệm NIPT, bác sĩ bảo tất cả bình thường, nay thai em được 20 tuần đi siêu âm 3 chiều thì bác sĩ bảo em bé bị sứt môi hở hàm ếch. Em rất hoang mang vì sao em đã tốn tiền làm xét nghiệm NIPT có kết quả bình thường mà nay siêu âm lại báo bất thường. Em có nên chọc ối hay làm gì khác?
ThS.BS Hà Tố Nguyên: Trên thực tế, NIPT là xét nghiệm sàng lọc những lệch bội chứ không được chỉ định sàng lọc những bất thường cấu trúc, do đó những bất thường này vẫn có thể bị bỏ sót khi thai phụ thực hiện NIPT ở mốc khám thai đầu tiên. Trong trường hợp bất thường cấu trúc xảy ra đơn độc không đi kèm những yếu tố di truyền, thì NIPT có thể trả về kết quả âm tính. Những dị tật chẳng hạn như sứt môi hở hàm ếch chỉ được phát hiện qua xét nghiệm chọc ối hoặc micro-MRI.
Chính vì thế, thai phụ vẫn cần thực hiện siêu âm ở quý 2 để tầm soát những bất thường dị tật và hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp thai nhi có bất thường dị tật trong khi kết quả NIPT ở quý 1 bình thường. Như vậy, mốc khám thai và siêu âm thai ở giai đoạn quý 2 là vô cùng quan trọng giúp tầm soát nhiều dị tật hoặc bất thường thai nhi mà lần siêu âm quý 1 chưa thể phát hiện.
8. Bất thường nhiễm sắc thể 47XXY có phải dừng thai hay không?
Chào bác sĩ, hiện tại em mang thai sau IVF đã được 12 tuần, đo độ mờ da gáy 0.8 nhưng kết quả nipt lại bất thường lệch cặp nhiễm sắc thể 47XXY. Đây là bé đầu nhà em nên 2 vợ chồng đều rất lo lắng, xin hỏi bác sĩ bất thường này có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của con không ạ.
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Với kết quả NIPT nghi ngờ thai nhi đang có bất thường nhiễm sắc thể 47XXY, thế nhưng để chẩn đoán xác định chính xác hơn, chúng tôi khuyến khích bạn nên đến bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn và chỉ định thực hiện sinh thiết gai nhau hoặc làm chọc ối khi thai được 16 tuần. Từ đó có thể chẩn đoán xác định chính xác đây có phải bất thường nhiễm sắc thể 47XXY hay không.
Trong tình huống, nếu như kết quả khẳng định có bất thường 47XXY thì các bác sĩ vẫn tư vấn giữ thai chứ không chấm dứt thai kỳ. Tương lai của những em bé có bất thường nhiễm sắc thể 47XXY có thể bị vô sinh nam, các tế bào mầm sinh dục không thể sản xuất tinh trùng. Tuy nhiên, tại BVĐK Tâm Anh, các chuyên gia – bác sĩ giỏi chuyên khoa hỗ trợ sinh sản hoàn toàn có thể giải quyết tình trạng này thông qua các thủ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh/tinh hoàn, giúp nam giới có thể có con chính chủ. Do đó, những ông bố bà mẹ không cần quá lo lắng, hãy thực hiện lại những xét nghiệm sàng lọc để có kết quả chính xác hơn.
9. Điều trị hội chứng truyền máu song thai tại Trung tâm Y học bào thai, BVĐK Tâm Anh
Em đang mang song thai một bánh nhau, 2 ối ở tuổi thai 23 tuần, bác sĩ siêu âm bảo em một thai bình thường, một thai rất nhỏ, hai thai lệch nhau khoảng 30%. Em xin hỏi bác sĩ liệu bé nhà em có nguy cơ mắc hội chứng truyền máu song thai không. Việc theo dõi và điều trị của bé như thế nào? Em đang rất lo lắng. Nếu đúng em bị truyền máu song thai thì có điều trị được ở BVĐK Tâm Anh TP.HCM không?
ThS.BS Hà Tố Nguyên: Hiện nay, song thai là một tình trạng khá phổ biến, với tỉ lệ ước tính là 3-4% các trường hợp mang thai. Song thai có thể xảy ra tự nhiên hoặc sau các chu kỳ hỗ trợ sinh sản. Song thai về phương diện y học hiện nay không cần quan tâm đến trường hợp song thai đồng hợp tử hay song thai dị hợp tử, mà vấn đề cần quan tâm ở đây là song thai có chung một bánh nhau hay song thai có hai bánh nhau.
Trên thực tế, trường hợp song thai một hợp tử nếu chia đôi sớm trong khoảng 3 ngày sau thụ thai có thể tạo thành 2 túi ối và 2 phôi thai riêng biệt, thì sẽ giống như trường hợp song thai dị hợp tử. Tuy nhiên, nếu sự phân chia xảy ra muộn hơn vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 8 sau khi thụ thai lúc bánh nhau đã hình thành, lúc này sẽ xảy ra trường hợp song thai chung một bánh nhau và có 2 buồng ối riêng. Như vậy thai kỳ của bạn là song thai phân chia muộn trong ngày thứ 4 đến ngày thứ 8 dẫn đến dẫn đến hiện tượng các mạch máu thông nối giữa 2 thai, tuy nhiên sự thông nối này được xem là cân bằng, không dẫn đến hiện tượng cho nhận. Theo ước lượng có khoảng 10-15% trường hợp có xuất hiện sự thông nối 1 chiều gọi là thông nối bệnh lý, có nghĩa là 1 thai chỉ cho và 1 thai chỉ nhận, dẫn đến biến chứng đáng sợ trong song thai một bánh nhau là hội chứng truyền máu song thai.
Khi theo dõi thai kỳ, có những tiêu chuẩn rõ ràng khi siêu âm giúp chẩn đoán, phát hiện sớm những trường hợp hội chứng truyền máu song thai dựa trên tình trạng thai cho sẽ có tình trạng thiểu ối và thai nhận sẽ có đa ối. Dựa trên tiêu chuẩn này, bác sĩ siêu âm y học bào thai có thể chẩn đoán chính xác đây có phải là trường hợp hội chứng truyền máu song thai hay không và mức độ nghiêm trọng, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời từ giai đoạn sớm nhằm ngăn chặn tình trạng diễn tiến gây ra biến chứng sảy thai.
BVĐK Tâm Anh là một trong những đơn vị có tỷ lệ điều trị thành công hội chứng truyền máu song thai cao nhất hiện nay. Đặc biệt, với những thai phụ được chẩn đoán mắc hội chứng TMST và có chỉ định can thiệp, bác sĩ sẽ sử dụng laser để cắt mối nối thông. Đây là phương pháp rất có giá trị đã được đồng thuận từ nhiều hiệp hội y khoa, với tỷ lệ cứu sống thành công 1 bé ước tính lên tới 90%.
10. Biến chứng nguy hiểm khi mang đa thai, song thai, tam thai
Vì sao mang đa thai như song thai, tam thai nguy cơ cao dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đó là những biến chứng nào? nên làm gì để dự phòng những biến chứng này thưa bác sĩ?
BS.CKI Nguyễn Thị Anh Thư: Mang nhiều thai sẽ có nguy cơ cao hơn đơn thai. Như chúng ta biết buồng tử cung tối ưu nhất cho một em bé, bây giờ tăng lên 2-3 em bé, nguy cơ tăng lên cho mẹ và bé rất nhiều. Nếu đa thai, thì người mẹ cần được kiểm tra là song thai hay tam thai. Nếu song thai phải kiểm tra song thai gì, 1 nhau 2 ối, hay 2 nhau 2 ối. Tại vì bệnh lý thai kỳ khác nhau và thăm khám khác nhau. Thông thường song thai có mốc khám thai khác hơn so với đơn thai. Tần suất khám thai gần lại hơn 2-4 tuần, tùy theo bác sĩ phát hiện vấn đề gì bất thường hay không.
Nguy cơ song thai, tam thai: sinh non. Đa số trường hợp đa thai có nguy cơ sinh non, sẩy thai cao hơn so với đơn thai. Biến chứng sinh non một trong những bệnh lý “đau đầu” cho bác sĩ sơ sinh, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng nguy cơ bệnh thần kinh, tim, phát triển tâm thần vận động về sau.
Người mẹ mang song thai, tam thai có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật cũng tăng hơn. Trong khi sinh thì tăng nguy cơ băng huyết, đờ tử cung. Sau sinh theo dõi hậu phẫu kéo dài hơn. Mặc dù 2-3 bé chúng ta rất vui nhưng cần xem xét biến chứng từ song thai, đa thai, từ đó cân nhắc việc lựa chọn mang song thai, đa thai.
11. Phương pháp điều trị và theo dõi bất thường dung nạp glucose khi mang thai
Xét nghiệm đường huyết thai kỳ bất thường dung nạp glucose khi mang thai thì sẽ điều trị và theo dõi như thế nào ạ?
BS.CKI Nguyễn Thị Anh Thư: Khi bạn được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, việc cần làm là thay đổi chế độ ăn và vận động. Khoảng 80-90% kiểm soát được nhờ đổi chế độ ăn và vận động. Nếu không may nhận chẩn đoán bất thường bạn đừng quá lo lắng, hãy thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu bạn cố gắng kiểm soát mà lượng đường huyết vẫn không ổn. Tại IVF Tâm Anh chúng tôi sẽ hội chẩn với bác sĩ nội tiết, dinh dưỡng, hỗ trợ biện pháp khác để kiểm soát cho bạn.
12. Giãn bể lớn hố sau ở thai nhi
Em thai 31 tuần 3 ngày, đi siêu âm hình thái thì bác sĩ nói bé bị giãn bể lớn hố sau, 12mm. Tất cả các chỉ số khác đều bình thường. Bác hẹn tuần sau khám lại. Có trường hợp nào kiểm tra lại bé trở về bình thường và con sinh ra khỏe mạnh không bác sĩ? Em có cần đi chụp MRI không? Bé đầu nhà em phải đình chỉ rồi, tới bé này mong con khoẻ mạnh mà mốc kiểm tra cuối lại không qua. Em đang rất hoang mang.
ThS.BS Hà Tố Nguyên: Giãn bể lớn hố sau gây khó khăn trong chẩn đoán. Khi siêu âm tuyến dưới phát hiện hố sau hơi lớn, cần chuyển lên tuyến trên để kiểm tra chi tiết hơn. Nếu siêu âm cho thấy bể lớn hố sau trên 10mm, được coi là giãn lớn bất thường, và nếu đạt 12mm thì đủ điều kiện để chẩn đoán.
Nếu không có bất thường nào trong hệ thần kinh trung ương, chúng ta cần kiểm tra kỹ các cấu trúc khác. Đầu tiên, cần hội chẩn lại siêu âm hệ thần kinh trung ương. Ngoài siêu âm, chụp MRI cũng có giá trị cao trong chẩn đoán dị tật hệ thần kinh trung ương. Cộng hưởng từ giúp xác nhận chẩn đoán và phát hiện thêm những bất thường có thể đã bị bỏ sót. Ngoài ra, có thể thực hiện xét nghiệm chọc ối để kiểm tra các bất thường kèm theo.
Comments are closed.