Hội chứng khiến người phụ nữ tê tay kéo dài
Chị Miên, 48 tuổi, tê tay nhiều ngày không rõ lý do, khám tổng quát phát hiện do hội chứng lối thoát lồng ngực ít gặp.
Tháng 6/2024, chị Miên (ngụ Q.11 TP HCM) đi khám sức khỏe tổng quát, siêu âm chi trên tình cờ phát hiện hẹp nặng tại gốc động mạch dưới đòn phải do mảng xơ vữa. Bác sĩ khai thác triệu chứng thì ghi nhận thời gian gần đây, chị thường có cảm giác tê ở các ngón tay phải, mỏi cánh tay, thỉnh thoảng xanh xao và lạnh bàn tay phải, nhất là lúc mới ngủ dậy hay chơi thể thao, vận động vùng tay nhiều. Chị nghĩ đây là biểu hiện bình thường nên không đi khám, chỉ hạn chế vận động.
Ngày 4/7, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chỉ định chụp CT mạch máu cho chị Miên, kết quả xác định hẹp nặng gốc động mạch dưới đòn phải kèm hẹp nặng tĩnh mạch dưới đòn hai bên, nghi do hội chứng lối thoát lồng ngực (Thoracic Outlet Syndrome – TOS).
Lối thoát lồng ngực là một không gian hẹp, nằm giữa cổ và vai, được tạo thành bởi các xương sườn trên cùng, ngay dưới xương đòn. Hội chứng lối thoát ngực (TOS) xảy ra khi các mạch máu và/hoặc dây thần kinh chạy từ phần trên cơ thể đến cánh tay bị chèn ép bởi các cấu trúc xung quanh, dẫn đến phù nề, giảm lưu lượng máu, châm chích, yếu cơ, đau, tê ở cổ, vai, cánh tay hoặc bàn tay.
Bác sĩ Dũng thông tin, hội chứng TOS được phân thành 3 loại. TOS thần kinh (nTOS), loại phổ biến nhất, đặc trưng bởi sự chèn ép của đám rối thần kinh cánh tay, vốn là một mạng lưới các dây thần kinh xuất phát từ tủy sống, kiểm soát chuyển động và cảm giác cơ ở vai, cánh tay, bàn tay.
Hai loại còn lại là TOS tĩnh mạch (vTOS, xảy ra khi một hoặc nhiều tĩnh mạch dưới xương đòn bị chèn ép và tổn thương) và TOS do động mạch (aTOS, xảy ra khi một trong các động mạch dưới xương đòn bị chèn ép). Trường hợp của chị Miên có sự phối hợp của 3 cơ chế với các triệu chứng lâm sàng và hình ảnh hẹp động – tĩnh mạch dưới đòn trên CT.
Ê kíp mở đường rạch da khoảng 5 cm ngay trên hõm xương đòn, tiến hành bóc tách phần mô và cơ xung quanh, bộc lộ bó mạch dưới đòn với các cấu trúc động mạch, tĩnh mạch và đám rối thần kinh cánh tay. Lúc này, bác sĩ ghi nhận bó trước của cơ bậc thang phì đại, đè ép bó mạch dưới đòn, sờ khảo sát thấy động mạch dưới đòn mềm mại, không xơ vữa. Do đó, bác sĩ quyết định cắt bó trước cơ bậc thang nhằm mở rộng đường thoát lồng ngực. Cuộc mổ tiến hành thuận lợi và kết thúc trong vòng 2 giờ.
Một ngày sau ca mổ, chị Miên hết hẳn tê tay, sinh hoạt bình thường. Chị xuất viện sau 3 ngày, được hướng dẫn thực hiện lối sống lành mạnh để tránh gây căng thẳng cho vai và các cơ xung quanh lỗ thoát ngực.
ThS.BS.CKI Phan Vũ Hồng Hải, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho hay, nguyên nhân gây ra hội chứng lối thoát lồng ngực là do chấn thương, bất thường giải phẫu bẩm sinh, tư thế xấu (đẩy vai hoặc giữ đầu ở tư thế hướng về phía trước quá lâu), thực hiện cùng một động tác liên tục trong thời gian dài, béo phì gây áp lực lên các khớp, thai kỳ.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bao gồm nhân viên văn phòng; vận động viên chơi thể thao như bơi lội, ném bóng (cricket), bóng bầu dục…; nhạc công như nghệ sĩ chơi vĩ cầm, thổi sáo…; người có đặc trưng công việc hoạt động tập trung nơi cánh tay như thợ máy, thợ làm tóc, giáo viên, công nhân dây chuyền lắp ráp…; người tập tạ sai cách gây mất cân bằng cơ bắp; người làm nghề khuân vác nặng gây căng phồng cơ bắp, khiến các mạch máu và dây thần kinh bị ép lại.
Nếu không được điều trị, hội chứng đường thoát lồng ngực có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như huyết khối tĩnh mạch nách – dưới đòn; sưng và đau cánh tay mạn tính, đặc biệt ở những người bị TOS tĩnh mạch; hoại tử hoặc loét do thiếu máu cục bộ trên ngón tay do lưu lượng máu giảm; tổn thương thần kinh vĩnh viễn; thuyên tắc phổi.
Bác sĩ Dũng chia sẻ, ở các bệnh nhân bị hội chứng lỗ thoát lồng ngực, vật lý trị liệu là phương pháp điều trị được ưu tiên hàng đầu. Các bài tập giúp tăng cường và kéo giãn cơ vai, giúp giảm áp lực lên các mạch máu và dây thần kinh ở lỗ thoát ngực.
Bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ hoặc thuốc làm loãng máu (đối với trường hợp hội chứng lối thoát ngực tĩnh mạch hoặc động mạch và có cục máu đông).
Nếu các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả sau một thời gian áp dụng, triệu chứng kéo dài dai dẳng và ngày càng trầm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật.
Sau phẫu thuật điều trị (và ngay cả khi không mắc hội chứng lối thoát lồng ngực), cần tránh mang vác vật nặng để không làm tăng áp lực lên vai và các cơ xung quanh lối thoát ở ngực. Duy trì tư thế tốt; thường xuyên nghỉ giải lao tại nơi làm việc để di chuyển và căng cơ; duy trì cân nặng hợp lý; tránh mang vác túi, balo quá nặng trên vai; tránh các hoạt động cơ tay lặp đi lặp lại; thực hành các bài tập thư giãn như hít thở sâu, thiền và kéo giãn cơ có thể giúp cải thiện sức mạnh cơ vai, ngăn ngừa hội chứng lối thoát lồng ngực.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.