Nam sinh hụt hơi, khó thở vì lõm ngực nặng
Tín, 17 tuổi, thường xuyên hụt hơi khi chơi thể thao do lõm ngực từ nhỏ, cải thiện triệu chứng sau ca phẫu thuật nâng ngực.
“Ngày thứ ba sau ca mổ lõm ngực, em gần như không còn đau nữa. Em có cảm giác lồng ngực căng hơn, giúp em hô hấp dễ dàng. Em cũng không còn tự ti khi vết hõm giữa ngực đã biến mất, giờ đây em đã giống các bạn rồi”, Tín (ngụ Bình Dương) vui mừng chia sẻ trước khi xuất viện.
Từ nhỏ, Tín đã cảm thấy mình khác biệt so với bạn bè đồng lứa, do khung lồng ngực của em sụp (lõm) xuống tạo thành hố lõm 2 cm ngay giữa ngực. Gia đình đưa em đi khám ở nhiều bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán lõm ngực, khuyên đến các bệnh viện chuyên khoa sâu để điều trị.
Dù mê đá bóng và chơi từ nhỏ nhưng một năm nay, mỗi lần đá bóng Tín mệt nhiều hơn dù vẫn chơi với cường độ như trước, trong trận nhiều lúc em phải dừng lại nghỉ, thở dốc. Tháng 11/2023, Tín đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thăm khám.
Ngày 26/6, BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch cho biết, kết quả chụp CT lồng ngực đánh giá mức độ lõm, siêu âm đánh giá chức năng tim, đo chức năng hô hấp,.. xác định Tín bị lõm ngực nặng, khiến thể tích lồng ngực giảm hơn, gây tình trạng mệt khi gắng sức.
Bên cạnh đó, Tín mặc cảm vì hình dáng ngực không giống mọi người, em cũng không thể tham gia các hoạt động đòi hỏi gắng sức cùng các bạn hay chơi các trò chơi tập thể. Do còn giữa năm học, bác sĩ hẹn khi Tín hoàn thành năm học lớp 11 sẽ phẫu thuật điều chỉnh lồng ngực cho em.
Tháng 6/2024, Tín quay lại bệnh viện để tiến hành phẫu thuật. ThS.BS.CKI Phan Vũ Hồng Hải, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM cho hay, có hai thể lõm ngực chính là lõm ngực đồng tâm (đối xứng hai bên, lành tính) và lõm ngực lệch tâm (lõm không đối xứng, có thể tạo sự chèn ép lên tim, phổi). Trường hợp của Tín là lõm ngực đồng tâm với chỉ số lõm ngực Haller = 3,9 (trên 3,25 là có chỉ định phẫu thuật).
Bác sĩ Hải nhận định, người bệnh đã có chỉ định điều trị, nếu không sớm can thiệp sẽ bỏ lỡ độ tuổi phù hợp nhất trong điều trị bệnh này (thời điểm tốt nhất để tiến hành nâng ngực là 8-18 tuổi, khi khung xương chưa cứng chắc).
Ngoài ra, về lâu dài bệnh dễ tiến triển nghiêm trọng gây biến chứng ở tim (chèn ép tim làm ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim), phổi (phổi bị hạn chế co giãn dẫn đến giảm chức năng trao đổi khí), khiến người bệnh mất tự tin về ngoại hình (vết lõm sâu vào bên trong xương ức khiến dáng đứng của phái mạnh không được thẳng, nhìn hơi cúi người về phía trước) và có tâm lý tự ti, ngại giao tiếp.
Ê kíp chọn phương pháp Nuss – phẫu thuật xâm lấn tối thiểu để cải thiện tình trạng lõm ngực cho Tín. Đây là phương pháp được áp dụng rộng rãi trên thế giới nhờ ưu điểm đường mổ nhỏ, thẩm mỹ, ít đau, hồi phục nhanh, ít biến chứng và trẻ sớm trở về cuộc sống bình thường hơn so với các biện pháp phẫu thuật mổ mở khác.
Bác sĩ rạch hai đường mổ nhỏ hai bên ngực người bệnh, đưa camera nội soi vào định vị các cấu trúc trong ngực, giúp bác sĩ thao tác dễ dàng và an toàn. Đồng thời, thanh nâng ngực được luồn bên dưới xương ức để qua phía ngực bên kia. Thanh nâng này có tác dụng nâng phần xương ức bị lõm lên, hỗ trợ chỉnh hình lồng ngực.
Theo bác sĩ Hoài, các ca phẫu thuật chỉnh hình liên quan đến xương đa phần sẽ đau và các biến chứng theo sau đau như viêm phổi, xẹp phổi, nhiễm trùng,.. do người bệnh đau, hạn chế hít thở sau mổ. Nhưng những trường hợp nâng ngực tại BV Tâm Anh sẽ luôn áp dụng kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giúp giảm đau hiệu quả, ít biến chứng. Sau 1,5 giờ ca mổ kết thúc, thanh nâng đặt đúng vị trí trong lồng ngực, phần ngực hõm được khắc phục hoàn toàn.
Sau 1-3 tháng phẫu thuật lõm xương ức, bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động bình thường. Tuy nhiên, tránh những môn thể thao hoạt động mạnh như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền,… hay đối kháng như võ, vật,… Người bệnh cũng hạn chế mang vác vật nặng hay động tác vặn, xoay người đột ngột để không làm di lệch thanh nâng ngực. Dự kiến sau 2-3 năm, Tín sẽ được phẫu thuật rút thanh nâng ngực, hoàn tất quá trình điều trị.
Lõm ngực (Pectus Excavatus) là dị tật bẩm sinh thường gặp với tỷ lệ 1 trên 400-1000, xảy ra khi xương ức và một số xương sườn phát triển bất thường, lõm vào trong, tạo thành một hố lõm ở giữa ngực. Bác sĩ Hoài khuyến cáo bố mẹ nên để ý các dấu hiệu bất thường ở trẻ để đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời.
Đối với trẻ sơ sinh, nếu trên ngực trẻ có một vết lõm rộng và nông, hoặc sâu và hẹp hoặc lồng ngực không cân đối; rất có thể trẻ đã bị lõm ngực. Ở trẻ thành niên, dấu hiệu nhận biết lõm ngực là có một vị trí lõm vào ngay giữa ngực; trẻ dễ mệt, khó thở khi tập thể dục gắng sức hoặc làm công việc cần dùng sức nhiều; tim đập nhanh, thở khò khè kèm theo ho, đau ngực; mệt mỏi; chóng mặt; nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần; vết lõm ngực trở nên nghiêm trọng hơn khi trẻ lớn dần.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.