Nam thanh niên mắc bệnh VA, ít gặp ở người trưởng thành
Anh Q. 35 tuổi, viêm mũi họng tái đi tái lại, đi khám phát hiện do VA tồn dư. Đây là bệnh hay xảy ra ở trẻ em, vì ở người trưởng thành, VA thường tiêu biến và ít khi gây nhiều triệu chứng phiền toái.
Trong nhiều năm, anh Đ.H.Q. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thường mắc các bệnh mũi họng, đau rát họng, viêm mũi họng tái đi tái lại, tự mua thuốc uống nhưng không bớt nên đến Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám. Kết quả nội soi tai mũi họng ghi nhận anh Q. bị VA tồn dư và đang trong quá trình viêm sung huyết.
Thạc sĩ bác sĩ CKI Phạm Thái Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, giải thích VA là tổ chức lympho ở vòm mũi họng, vị trí cửa mũi sau. Khi thở, không khí đi vào mũi, qua vòm họng – VA xuống họng miệng, thanh quản rồi vào phổi. Với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch đang trong quá trình hoàn thiện, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công nên thường viêm mũi họng và VA.
Ở trẻ em, mô VA ngoài các tổ chức lympho làm nhiệm vụ miễn dịch, trong mô còn chứa nhiều mô mỡ và mô liên kết lỏng lẻo hơn so với người trưởng thành. Sau khi VA đạt đến kích thước tối đa lúc trẻ 5-7 tuổi thì bắt đầu giảm dần kích thước. Đến tuổi dậy thì (khoảng 12-16 tuổi), trong hầu hết các trường hợp, VA bắt đầu nhỏ lại, mỡ ở vị trí này tiêu biến (nguyên nhân đến nay vẫn chưa được giải thích).
Ở người trưởng thành, VA thường tồn tại dưới dạng một tổ chức trơn láng màu hồng nhạt ở vùng vòm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp các tổ chức VA không nhỏ đi mà vẫn tồn tại với kích thước lớn nên được gọi là VA tồn dư. VA tồn dư vẫn có thể viêm nhiễm do virus hoặc vi trùng dẫn đến viêm mũi họng kéo dài. Theo y văn, tỉ lệ VA tồn dư trong dân số ở người lớn khoảng 2,5%.
Theo bác sĩ Duy, nếu ở trẻ, nội soi tai mũi họng phát hiện viêm VA quá phát thì được điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật nạo VA. Còn ở người lớn, khi khám và nội soi, cần phân biệt viêm VA tồn dư hay u vòm (ung thư vòm); trong một số trường hợp phải đánh giá giải phẫu bệnh để tránh nhầm lẫn giữa u lành và u ác.
“Xác định một ‘khối’ ở vòm họng là u hay là VA tồn dư đôi khi gặp nhiều thử thách, do u vòm trong giai đoạn sớm có thể không có bất kỳ triệu chứng gì và hình ảnh nội soi ban đầu trong cũng “khá” lành tính”, bác sĩ Duy nói.
Phẫu thuật nạo VA được chỉ định vì anh Q. đã điều trị thuốc nhiều lần trong năm nhưng bệnh vẫn tái phát. Phẫu thuật giúp anh Q. giảm đáng kể tần suất viêm mũi tái đi tái lại.
Bác sĩ Thái Duy phẫu thuật nạo VA qua nội soi cho anh Q. bằng phương pháp Coblator, công nghệ plasma với sóng năng lượng ở nhiệt độ thấp giúp loại bỏ VA triệt để. Anh Q. ăn uống bình thường sau mổ 3-4 giờ, khả năng lành thương tốt, xuất viện sau 24 giờ. Tái khám 2 lần sau phẫu thuật, tình trạng nghẹt mũi, viêm mũi họng được cải thiện.
Viêm VA tồn dư lớn nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng viêm tai giữa, viêm mũi xoang, nghẹt mũi, chảy dịch mũi, khiến chất lượng sống của người bệnh suy giảm. Vì vậy, nếu có những triệu chứng viêm mũi họng tái đi tái lại, người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để khám, nội soi tai mũi họng, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.
Comments are closed.