Nạo hút thai 10 lần khiến người phụ nữ vô sinh
Ốm nghén quá mức khiến chị Hà phải hút bỏ thai 10 lần, gây biến chứng dính buồng tử cung, dẫn tới vô sinh.
Chị Hà, 40 tuổi, sinh con gái đầu lòng năm 2006. Sau 3 năm, vợ chồng muốn sinh thêm con nên thả tự nhiên. Chị đậu thai ngay nhưng ốm nghén nhiều, ăn uống kém, nôn liên tục, thường xuyên tụt huyết áp, ngất xỉu, ảnh hưởng công việc và sinh hoạt hàng ngày nên quyết định dừng thai khi mới 6 tuần tuổi.
Liên tiếp 5 năm sau, chị Hà đậu thai thêm 9 lần. Mặc dù cố gắng ăn uống tẩm bổ nhưng thường xuyên nôn ói, mệt mỏi, chị phải nghỉ việc để có thêm thời gian nghỉ ngơi. Chồng chị là anh Dương, nay 45 tuổi cho biết, mỗi lần vợ dính bầu đều phải nghỉ phép dài ngày đưa chị đến bệnh viện dưỡng thai. Tuy nhiên, tình trạng ốm nghén không cải thiện. Nhiều lần chị bị tụt huyết áp, ngất xỉu, phải nhập viện cấp cứu. Cả 9 lần đậu thai, chị Hà đều phải bỏ sớm ở giai đoạn 6-7 tuần.
“Quyết định dừng thai thật sự khó khăn với gia đình đang mong con. Nhưng để đảm bảo sức khỏe cho vợ, tôi không còn lựa chọn nào khác”, anh Dương kể hôm 12/6.
Ám ảnh những lần mang thai trước đó, chị Hà định không sinh thêm con. Nhưng thấy con đầu khao khát có em, vợ chồng lại động viên nhau không tránh thai để có bầu. Tuy vậy, suốt 7 năm anh chị không có tin vui. Họ đến khám tại một cơ sở y tế chuyên điều trị hiếm muộn, làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) một lần nhưng không thành.
Tháng 3/2021, vợ chồng đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVFTA) thăm khám. Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Lê Hoàng phát hiện chị Hà bị dính niêm mạc buồng tử cung, hai vòi tử cung (vòi trứng) thông không hoàn toàn. Ngoài ra, tuổi cao khiến dự trữ buồng trứng của chị sụt giảm, cơ hội mang thai tự nhiên càng mong manh. Bác sĩ chẩn đoán chị Hà vô sinh thứ phát do hậu quả của việc nạo phá thai.
Bác sĩ Lê Hoàng giải thích, nạo phá thai nhiều lần có thể làm phá vỡ chức năng của hệ thống thần kinh trung ương, gây rối loạn nội tiết, rối loạn kinh nguyệt, suy nhược thần kinh, mệt mỏi, mất ngủ, giảm cảm giác trong quan hệ tình dục,… từ đó giảm khả năng thụ thai.
Ngoài ra, thủ thuật này còn làm thay đổi cấu trúc của buồng tử cung, vòi trứng, gây ra những tổn thương như tắc dính, ứ dịch tại các cơ quan này. Bệnh lý giải phóng độc tố ảnh hưởng đến phôi, cản trở sự tái tạo lớp nội mạc chức năng sau mỗi chu kỳ kinh, ảnh hưởng khả năng làm tổ của phôi thai. Nếu vòi trứng thông không hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng thai ngoài dạ con.
Trường hợp may mắn có thai, buồng tử cung bị dính làm mất đi độ đàn hồi tự nhiên, không thể đáp ứng sự phát triển lớn dần của thai nhi. Thêm vào đó, nhau thai bám quá chặt vào tử cung nơi không có nội mạc, khi sinh nở làm tử cung tổn thương nặng hơn, gây băng huyết sau sinh, nguy hiểm tính mạng.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ vô sinh ở nữ giới nạo phá thai cao gấp 3-4 lần so với những người không có tiền sử này. Ước tính, tỷ lệ vô sinh do dính buồng tử cung chiếm khoảng 5% tổng số trường hợp vô sinh, trong đó 95% là do hậu quả của việc nạo hút thai. Vô sinh do tắc vòi trứng hoặc ứ dịch vòi trứng chiếm tới 40% số vô sinh nữ, trong số này có tới 50% là có tiền sử nạo hút thai.
Để điều trị hỗ trợ sinh sản trong trường hợp này, người bệnh cần được phẫu thuật nội soi tách dính buồng tử cung. Tỷ lệ thành công của phương pháp này đạt khoảng 60-70%. Theo bác sĩ Hoàng, khả năng mang thai tự nhiên sau tách dính buồng tử cung không cao. Hiện chưa có thống kê tỷ lệ có thai thành công nhờ thụ tinh nhân tạo (IUI), với thụ tinh ống nghiệm (IVF), tỷ lệ này đạt khoảng 50.7 – 62.3 %.
Chị Hà được bác sĩ tư vấn kích trứng theo phác đồ cá thể hóa, sau đó chọc hút và mang trữ đông để bảo tồn khả năng làm mẹ bằng trứng tự thân. Tháng 5/2021, bác sĩ chọc hút thu được 4 noãn. Do vợ chồng nhiều tuổi, chất lượng trứng và tinh trùng suy giảm nên chỉ tạo được 2 phôi ngày 5. Họ quyết định sàng lọc phôi để tránh sinh con mắc bệnh di truyền. Kết quả, 1 phôi bất thường, 1 phôi bình thường được trữ đông.
Bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi xử lý tình trạng dính buồng tử cung trước khi chuyển phôi. Đồng thời, bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc nội tiết giúp nội mạc tử cung phát triển dày hơn, tạo điều kiện cho phôi thai bám dính và làm tổ thuận lợi.
Sau phẫu thuật, vợ chồng đắn đo, muốn thử vận may bằng phương pháp mang thai tự nhiên. Tuy nhiên 2 năm sau đó, họ vẫn không có con. Tháng 8/2023, anh chị trở lại IVFTA làm thụ tinh ống nghiệm. Bác sĩ chuyển 1 phôi ngày 5 duy nhất đang trữ đông vào buồng tử cung, chị Hà đậu thai ngay.
Chị Hà tái diễn tình trạng ốm nghén nặng như những lần mang thai trước, phải nhập viện điều trị từ tuần thứ 5 thai kỳ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Công, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết khoảng 85% phụ nữ mang thai có biểu hiện buồn nôn, nôn. Mức độ có thể nặng, nhẹ tùy theo thể trạng của mỗi người. Nghén nhẹ là trường hợp buồn nôn và nôn có tần số ít, chỉ khoảng 2 lần/ngày, cảm giác buồn nôn ít hơn 1 giờ. Nghén nặng là trường hợp buồn nôn kéo dài nhiều giờ liên tục, xuất hiện nhiều hơn 5 lần/ngày.
Chị Hà thuộc nhóm 2% trường hợp nghén nặng, nôn nhiều khiến cơ thể mất nước, mệt mỏi, rối loạn toan kiềm, rối loạn điện giải, sụt cân nghiêm trọng. Theo bác sĩ Công, đây không phải là dấu hiệu nguy hiểm của thai yếu, thậm chí các thai phụ có dấu hiệu nghén thường có thai kỳ tốt hơn so với những người không nghén. Nhưng tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thai phụ, chất lượng cuộc sống và công việc.
Nghén nặng còn có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng là bệnh não Wernicke (bệnh thần kinh cấp tính đặc trưng bởi chứng liệt mắt, mất điều hòa, lú lẫn). Một số trường hợp cần đình chỉ thai kỳ để hạn chế biến chứng cho mẹ.
Để chị Hà vượt qua thai nghén an toàn, bác sĩ phối hợp điều trị nhiều phương pháp, gồm dùng thuốc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, kết hợp trị liệu tâm lý thường xuyên. Anh Dương xin nghỉ việc, vào viện chăm vợ suốt 8 tháng thai kỳ. Tháng 4/2024, gia đình đón một bé trai chào đời khỏe mạnh ở tuần 35, nặng 2,1kg.
“Thật may mắn vì đã không bỏ cuộc nên chúng tôi mới có được trái ngọt”, chị Hà nói khi được ấp con trên ngực.
Bác sĩ Hoàng cho biết, phụ nữ nạo phá thai ở độ tuổi càng sớm, số lần nạo thai nhiều, và tuổi thai càng cao càng tăng các biến chứng ở tử cung, gây vô sinh.
Theo báo cáo của Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên cao nhất thế giới. Hàng năm, nước ta có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, trong đó 30% là nữ giới từ 15-19 tuổi với 70% là học sinh, sinh viên.
Nạo phá thai có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe, tâm lý và xã hội. Làm thủ thuật tại các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh, vô khuẩn hoặc phá thai không hợp pháp, không đảm bảo an toàn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu, viêm nhiễm, sót nhau, tổn thương tử cung, thậm chí tử vong. Không ít trường hợp nữ giới không thể làm mẹ hoặc gặp những sang chấn tâm lý suốt đời.
Hiện những trường hợp vô sinh có tiền sử nạo phá thai vẫn có thể có con nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm. Những kỹ thuật hiện đại như nuôi cấy phôi nang, sàng lọc di truyền phôi tiền làm tổ (PGT), xét nghiệm cửa sổ làm tổ (ERA Test), bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) làm dày niêm mạc tử cung… có thể giúp nữ giới vô sinh mang thai thành công và sinh con khỏe mạnh.
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.