Xương cá 2cm cắm sâu vào lưỡi người đàn ông
Mảnh xương cá nằm sâu trong đầu lưỡi của anh M., bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM phải siêu âm, tiểu phẫu để lấy ra.
Hai tuần trước, anh P.V.M. (45 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) đang ăn cơm thì thấy đau họng, nuốt vướng, nghi hóc xương. Anh dùng lưỡi lừa xương, cố gắng đẩy xương ra nhưng không được. Tình trạng đau họng nhiều hơn, nuốt vướng, khó ăn uống nên anh đến Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám.
Thạc sĩ bác sĩ CKI Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nội soi họng, thấy dị vật cắm sâu vào mô mềm ở đầu lưỡi anh M., niêm mạc xung quanh phù nề. Bác sĩ Nguyên nghi ngờ anh M. bị mảnh xương cắm sâu dưới lưỡi, chỉ định siêu âm vùng lưỡi để xác định rõ vị trí của dị vật. Sau đó, bác sĩ Nguyên tiểu phẫu cho anh M., lấy ra mảnh xương cá dài 2cm, đầu nhọn.
“Xương cá đã tạo ra một ổ mủ ở lưỡi. Nếu xương cá không được tìm thấy và lấy ra kịp thời, ổ mủ sẽ lan rộng, gây nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh”, bác sĩ Nguyên nói. Sau tiểu phẫu, tình trạng anh M. ổn định.
Bác sĩ Nguyên cho biết người bệnh để xương cá hóc hai tuần mà không biết, may chưa biến chứng áp xe, nhiễm trùng lan rộng. Xương cá cắm vào đầu lưỡi có thể lấy ra dễ dàng. Nếu xương cá cắm sâu vào hạ họng sau lưỡi, di chuyển đến thanh quản, thực quản phải phẫu thuật gây mê gắp dị vật.
“Từng có trường hợp xương cá rơi xuống dạ dày, di chuyển xuống ruột, đâm thủng ruột gây viêm, áp xe gan, phúc mạc ổ bụng. Cũng có trường hợp, xương cá gây áp xe vùng cổ, biến chứng áp xe mô mềm xung quanh, phải phẫu thuật mở vùng cổ miệng dẫn lưu áp xe, lấy dị vật”, bác sĩ Nguyên cho biết.
Những phương pháp dân gian như nuốt cơm, nuốt chuối, đặc biệt dùng tay móc xương không có hiệu quả mà còn vô tình góp phần đẩy xương cắm sâu hơn vào mô xung quanh, gây khó khăn cho chẩn đoán và điều trị về sau. Dị vật vùng họng, đặc biệt xương cá, xảy ra phổ biến, không chỉ ở trẻ em mà còn ở người lớn.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, không nên vừa ăn vừa đùa giỡn, nhất khi ăn cơm với cá, ăn các loại trái cây có hạt dễ hóc như nhãn, măng cụt, chôm chôm…
Nếu nghi ngờ hóc dị vật với biểu hiện như nuốt đau, nuốt khó, nuốt vướng nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ xử lý kịp thời. Tuyệt đối không chữa hóc dị vật bằng các mẹo dân gian như ăn thêm thức ăn hay dùng tay khều vì dị vật càng bị đẩy sâu, khó điều trị về sau và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.