Mẹ U40 từ chối giảm thai sinh 3 con khỏe mạnh
Chuyển 2 phôi lại đậu ba thai, bác sĩ đề nghị giảm một thai nhưng chị Minh từ chối, quyết tâm giữ con, ba bé gái chào đời khỏe mạnh nhờ theo dõi thai tại BVĐK Tâm Anh.
Ngày 30-7, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, sản phụ phải sinh mổ, ba bé gái chào đời cân nặng lần lượt là 2,6 kg và 2,5kg mỗi bé. Một bé chào đời thở yếu, bác sĩ sơ sinh hỗ trợ thở oxy, tự thở khí trời sau vài giờ hỗ trợ.
Chị Minh, 38 tuổi, đã có một con chào đời năm 2015. Vài năm sau, vợ chồng muốn sinh thêm con song thả tự nhiên không được. Vợ chồng họ đi khám, được bác sĩ tư vấn phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Chị tha thiết xin bác sĩ chuyển hai phôi để tăng tỷ lệ đậu thai.
“Lúc ấy, vợ chồng đều lớn tuổi, tôi chỉ hy vọng có thể đậu một thai”, chị Minh cho biết.
Tuần thai thứ 7, siêu âm phát hiện buồng tử cung có tới 3 túi thai. Bác sĩ thực hiện IVF khuyên chị giảm thai, giữ lại 1 hoặc 2 bé để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.
“Hai vợ chồng thao thức nhiều đêm, nghĩ đến bạc đầu, không nỡ bỏ con, đành trốn bác sĩ”, chị Minh kể, thêm rằng chị tắt điện thoại, cắt đứt liên lạc với bác sĩ, nằm dưỡng thai ở nhà không tái khám theo hẹn. Thai hơn 12 tuần chị Minh mới đến BVĐK Tâm Anh TP HCM kiểm tra.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa cho biết, chị Minh lớn tuổi, có vết mổ cũ trên tử cung, mang tam thai, trong đó một cặp song sinh giống hệt nhau, có một bánh nhau và 2 túi ối.
Bác sĩ Mỹ Nhi giải thích thông thường khi thụ tinh ống nghiệm, chuyên viên phôi học lấy một tinh trùng thụ tinh với một trứng để tạo thành một phôi. Trong quá trình phát triển trong tử cung, phôi có thể tách ra thành hai hoặc nhiều phôi riêng biệt, phát triển thành hai hoặc nhiều thai nhi (sinh đôi, sinh ba)… cùng trứng, trẻ giống nhau về di truyền và cùng giới tính. Tỷ lệ song thai cùng trứng theo các thống kê trên thế giới khoảng 4/1.000.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết song thai cùng trứng có thể là song thai một nhau một ối hoặc một nhau hai ối. Trường hợp song thai một nhau một ối có thể tử vong do xoắn dây rốn. Song thai một nhau hai ối có nhiều nguy cơ liên quan đến thai giới hạn tăng trưởng có chọn lọc, thiếu máu đa hồng cầu, và hội chứng truyền máu song thai với tỷ lệ khoảng 15% các ca song thai chung bánh nhau – một tai biến nghiêm trọng trước sinh.
Chị Minh còn mắc bệnh suy giáp, tức không sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Nếu không điều trị có thể tăng nguy cơ suy tim, biến chứng đẻ non, tiền sản giật, sảy thai, băng huyết… “Chúng tôi đã tư vấn các rủi ro, song gia đình từ chối”, bác sĩ Mỹ Nhi nói, thêm rằng chỉ còn cách theo sát để chăm sóc thai kỳ nhằm phát hiện kịp thời biến chứng, can thiệp phù hợp.
Chị Minh được bác sĩ nội tiết kê thuốc điều trị suy giáp bảo vệ mẹ và thai, khám thai định kỳ với bác sĩ Mỹ Nhi. Người mẹ phải khám thai nhiều hơn bình thường. Từ tuần thai thứ 16 thai kỳ, chị phải siêu âm Doppler màu ít nhất 2 tuần một lần kiểm tra chênh lệch lớn giữa giữa trọng lượng của hai bào thai và đường kính của hai túi ối, theo dõi bàng quang thai nhi, ống tĩnh mạch, tĩnh mạch rốn, động mạch… để phát hiện sớm hội chứng truyền máu song thai, thai giới hạn tăng trưởng có chọn lọc, thiếu máu đa hồng cầu, bơm máu đảo ngược, song thai lưu hoặc có một thai lưu…
ThS.BS La Hồng Châu, Trưởng đơn vị Hình ảnh học Sản Phụ khoa cho biết, chị Minh may mắn không mắc hội chứng truyền máu song thai. Các thai đều phát triển tốt trong tử cung, cân nặng không chênh lệch nhiều, nhịp tim ổn định.
Khi bụng to dần, chị Minh giảm bớt việc điều hành kinh doanh, tập trung ở nhà dưỡng thai, hạn chế đi lại. Chị tăng cường ăn uống tẩm bổ nuôi con, với hy vọng các bé sẽ có sức khỏe tốt. Đến tuần thai thứ 26, bác sĩ xét nghiệm phát hiện người mẹ mắc tiểu đường thai kỳ. Người mẹ phải điều chỉnh ăn uống, kiểm tra đường huyết trước và sau ăn. Nhờ tuân thủ tốt, chị không phải dùng tới thuốc điều trị rối loạn đường huyết.
Thai được 32 tuần, chị có dấu hiệu dọa sinh non, các bác sĩ đánh giá, cho tiêm thuốc trưởng thành phổi. Thuốc này giúp cho thai nhi dự phòng nguy cơ suy hô hấp nếu chẳng may các bé chào đời sớm.
Do có một cặp song thai một nhau hai ối trong ba thai nên chị Minh được chỉ định sinh mổ lúc 36 tuần.
Ca sinh được chuẩn bị kỹ với ê kíp gồm 3 bác sĩ sản khoa, 2 bác sĩ sơ sinh, bác sĩ gây mê cùng nhiều điều dưỡng túc trực.
Ca mổ diễn ra thuận lợi, một em bé chào đời sức khỏe yếu đã được can thiệp kịp thời. Bốn mẹ con đều khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Nhi, người mẹ mang tam thai như chị Minh dễ gặp các biến cố sản khoa nguy hiểm hơn so với mang đơn thai như sẩy thai, sinh non, ngôi bất thường, sa dây rốn, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, tiền sản giật. Sản phụ thường phải sinh mổ, dễ bị đờ tử cung, băng huyết sau sinh.
Mang tam thai tự nhiên trước đây rất hiếm, với tỷ lệ khoảng 1/200.000 ca sinh. Sau khi kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được biết đến nhiều, tần suất phụ nữ mang tam tai trở nên phổ biến hơn do sử dụng các loại thuốc và thủ thuật hỗ trợ sinh sản.
Bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo, đa thai tự nhiên không thể phòng tránh, nhưng đa thai sau điều trị thụ tinh ống nghiệm phần lớn do số lượng phôi được chuyển vào tử cung. Để hạn chế tình trạng này, các bác sĩ khuyến cáo cần tư vấn kỹ về số phôi chuyển nhằm tránh rủi ro liên quan đến đa thai.
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ mang đa thai (hai thai, ba thai hay nhiều hơn) cần khám thai ngay từ quý một thai kỳ tại các bệnh viện có bác sĩ Sản khoa và Sơ sinh giàu kinh nghiệm, phương tiện hiện đại để phát hiện bất thường, can thiệp kịp thời.
Comments are closed.