Sinh con khỏe mạnh sau nhiều lần thụ tinh ống nghiệm thất bại
Hiếm muộn 17 năm, 6 lần thụ tinh ống nghiệm thất bại, vợ chồng chị Vân lần đầu thỏa nguyện ước mơ làm cha mẹ ở tuổi 42, khi bạn bè đã có cháu bế bồng.
“Đi thôi nôi con của bạn, đến cháu của bạn, nhiều không đếm xuể. Rất nhiều lần ‘xin vía’ nhưng suốt 17 năm, tôi chưa một lần được ốm nghén, được làm mẹ”, chị Vân kể.
Kết hôn năm 2007, vợ chồng chị Vân, anh Toàn, hiện 44 tuổi, uống nhiều thuốc Đông Tây y nhưng 3 năm sau ngày cưới vẫn không có con. Khám sức khỏe sinh sản lần đầu năm 2010, bác sĩ phát hiện anh Toàn không có tinh trùng trong tinh dịch do tắc ống dẫn tinh, trong khi chị Vân bị dị tật tử cung hai sừng nên khó có thai tự nhiên.
Chị Vân được kích trứng làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) với tinh trùng của chồng th u được sau kỹ thuật PESA (chọc hút tìm tinh trùng qua mào tinh hoàn). Mặc dù hai lần làm IVF/PESA họ thu được nhiều tinh trùng, trứng, tạo được nhiều phôi nhưng 3 lần chuyển phôi không thành.
Liên tiếp 5 năm sau, vợ chồng đến hai cơ sở y tế khác làm IVF 2 lần, chuyển phôi 3 lần vẫn thất bại. Chị Vân suy sụp, dừng điều trị, định xin con nuôi.
Được gia đình động viên, tháng 10/2020, anh chị đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVFTA) khám sức khỏe toàn diện. Bác sĩ chỉ định làm PESA-ICSI (chọc hút mào tinh thu tinh trùng và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn) tạo được 7 phôi ngày 3. Trước khi chuyển phôi, chị Vân được phẫu thuật cắt vách ngăn, tái tạo lại buồng tử cung. Chị Vân đón tin vui có thai ngay lần chuyển phôi đầu.
“Tôi tưởng vợ chồng đã đi vào ngõ cụt nhưng không ngờ vì kiên trì nên đã hái được quả ngọt”, chị Vân kể, ngày 24/6.
Tương tự, chị Huyền Trang, hiện 34 tuổi, mong con 9 năm, dự trữ buồng trứng giảm. Vợ chồng từng theo đuổi hành trình 4 năm “tìm con” nhờ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (IUI) và IVF ở 2 cơ sở y tế nhưng 3 lần chuyển phôi đều thất bại.
Năm 2023, chị Trang đến IVFTA, bác sĩ chỉ định chị Trang nội soi buồng tử cung tìm nguyên nhân chuyển phôi thất bại liên tiếp nhiều lần. Bác sĩ phát hiện chị bị viêm niêm mạc tử cung mạn tính, một bệnh lý nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến chất lượng phôi, giảm tương tác giữa phôi và nội mạc tử cung, khiến phôi thai làm tổ thất bại hoặc ngừng phát triển sớm.
Chị Thương, 38 tuổi, cũng tìm đến IVF sau 2 lần IUI thất bại. Nhưng 5 lần làm IVF ở 3 bệnh viện khác nhau mới có tin vui. Sau 4 năm, vợ chồng muốn sinh thêm con nhưng tiếp tục làm IVF 3 lần đều không đậu thai.
Đây là 3 trong số hàng ngàn trường hợp vợ chồng vô sinh hiếm muộn đến IVFTA khám và điều trị hỗ trợ sinh sản sau nhiều lần thất bại ở những cơ sở y tế khác. Ước tính tại trung tâm này có tới 70% là trường hợp là các ca bệnh khó, vợ chồng nhiều tuổi, nhiều bệnh lý nền, tiền sử sản khoa nặng nề, từng thất bại chuyển phôi nhiều lần ở các trung tâm, bệnh viện hiếm muộn khác.
TTND.PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm IVFTA cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất đa dạng. Thường gặp nhất là chất lượng phôi kém. Các yếu tố đánh giá chất lượng phôi bao gồm độ đồng đều về kích thước phôi, độ phân mảnh bào tương, nhân phôi bào, phôi ngày 3 hay phôi ngày 5…
Ngoài yêu cầu trứng chất lượng, tinh trùng khỏe mạnh, không có bất thường về di truyền (nhiễm sắc thể, gene); môi trường nuôi cấy phôi sau khi thụ tinh hoặc những thao tác vật lý trong quá trình trữ đông, rã đông phôi cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng phôi. Theo cơ chế chọn lọc tự nhiên của cơ thể người mẹ, khi đưa các phôi thai bất thường vào buồng tử cung, nội mạc tử cung không tạo ra các điều kiện thuận lợi tiếp nhận phôi để nó tiếp tục phát triển.
Những bất thường tại buồng tử cung và nội mạc tử cung như niêm mạc mỏng; viêm niêm mạc tử cung như trường hợp chị Trang; buồng tử cung có polyp, khối u lạc nội mạc, vách ngăn hoặc dính buồng tử cung… cũng làm giảm khả năng tiếp nhận phôi. Ngoài ra, bất thường tương tác giữa phôi và niêm mạc tử cung, độ tuổi, yếu tố tâm lý và một số bệnh lý nền của người phụ nữ cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ phôi làm tổ và phát triển trong buồng tử cung.
Để điều trị, bác sĩ cần xác định chính xác nguyên nhân gây thất bại làm tổ hoặc thai ngừng phát triển sau chuyển phôi. Ngoài thăm khám lâm sàng, người bệnh có thể phải thực hiện thêm một số khảo sát, như xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ vợ chồng, xét nghiệm cửa sổ làm tổ (ERA test), nội soi buồng tử cung để tìm nguyên nhân và xử lý bất thường nếu có…
Việc điều trị tùy theo nguyên nhân. Các phác đồ tiếp cận khác nhau tùy theo thể trạng, bệnh lý nền, mức độ đáp ứng thuốc, nhu cầu và trải nghiệm của từng người bệnh. Ngoài chỉ định sử dụng thuốc nội tiết, bác sĩ đồng thời cho lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động khoa học sau chuyển phôi phù hợp và đồng hành hỗ trợ trị liệu tâm lý khi cần thiết. Điều này không chỉ giúp phụ nữ có thai mà còn có thai kỳ an toàn để sinh con khỏe mạnh.
Như chị Vân, sau khi thực hiện IVF có thai, đến 5 tuần dọa sảy, phải nhập viện giữ thai 3 tuần. Thất bại chuyển phôi nhiều lần trước đó khiến chị ám ảnh, thường xuyên lo lắng, stress. Chị được bác sĩ chỉ định dùng thuốc, lên thực đơn dinh dưỡng nâng cao thể trạng, đồng thời trị liệu tâm lý thường xuyên. Cuối năm 2021, chị sinh mổ một bé trai nặng 3,2kg. Tháng 3/2024, vợ chồng trở lại IVFTA sinh thêm con, may mắn đậu thai ngay sau lần chuyển phôi đầu. Hiện thai nhi khoảng 8 tuần, phát triển bình thường.
Chị Trang sau khi điều trị ổn định tình trạng viêm nội mạc tử cung được kích hút trứng theo phác đồ cá nhân hóa. Sau khi thụ tinh, phôi được nuôi cấy trong hệ thống tủ theo dõi động học timelapse tích hợp trí tuệ nhân tạo AI, thu được 2 phôi nang chất lượng tốt. Tháng 8/2023, bác sĩ chuyển một phôi vào buồng tử cung, giúp chị Trang có thai. Tháng 5/2024, chị hạ sinh một bé trai nặng 2.5kg bằng phương pháp mổ.
Còn chị Thương, bác sĩ soi buồng tử cung không phát hiện có bất thường. Chị được dùng thuốc kích trứng theo phác đồ đặc biệt, chọc hút noãn thu được 6 nang noãn. Vợ chồng thụ tinh thu được 4 phôi nang đều chất lượng tốt. Cả 4 phôi được mang xét nghiệm di truyền để sàng lọc những phôi thai có nguy cơ dị tật bẩm sinh (PGT), phát hiện một phôi bất thường nhiễm sắc thể.
Trong quá trình chuẩn bị niêm mạc, bác sĩ đo định lượng nồng độ hormone Progesterone để chỉ định sử dụng thuốc phù hợp, kết hợp bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) để tăng khả năng đáp ứng của nội mạc tử cung với phôi.
Đây là huyết tương có lượng tiểu cầu nhiều gấp 2-10 lần so với bình thường, chứa nhiều yếu tố tăng trưởng và cytokine, giúp thúc đẩy loại bỏ các mô tế bào bị thoái hóa, hoại tử và kích thích sự lành hóa, tái tạo mô.
Huyết tương giàu tiểu cầu được điều chế từ máu của chính người bệnh, được xử lý, tách chiết trong hệ thống máy quay ly tâm tại phòng Lab hiện đại. Vì vậy, được xem là chế phẩm sinh học tương thích nhất với cơ thể người bệnh, tránh được tình trạng thải ghép, giúp tăng tỷ lệ thành công trong IVF từ 37% lên 50% trong các trường hợp niêm mạc tử cung không có đáp ứng với phôi thai.
Tháng 8/2023, chị Thương chuyển một phôi đã sàng lọc cho kết quả bình thường vào buồng tử cung, thành công mang thai ở tuổi 37, sau 6 năm mong đợi. Vợ chồng hạnh phúc đón con trai đầu lòng chào đời nặng 3kg vào tháng 4 năm nay.
Bộ Y tế thống kê, hiện cả nước có khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, trong đó vợ chồng dưới 30 tuổi chiếm tới 50% trường hợp. Nguyên nhân vô sinh có thể do vợ hoặc chồng, cùng chiếm tỷ lệ 40%, 10% do cả hai và 10% còn lại chưa rõ nguyên nhân. Nhiều bệnh lý gây vô sinh không biểu hiện triệu chứng rõ ràng nên khó nhận biết.
“Phát hiện sớm, điều trị chính xác giúp các cặp vợ chồng sớm có con khỏe mạnh với chi phí thấp”, PGS Lê Hoàng nhận định, thêm rằng vợ chồng kết hôn sau một năm không có con (6 tháng nếu tuổi vợ trên 35) nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Các kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm hiện đại như gom giao tử (trứng, tinh trùng), gom phôi; tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), nuôi cấy phôi nang; trữ đông phôi, trứng và tinh trùng, kết hợp kỹ thuật PGT với công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới (NGS); xét nghiệm cửa sổ làm tổ (ERA Test); bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP); phẫu thuật tìm tinh trùng cho bệnh nhân vô tinh như PESA, TESE, micro-Tese… có thể giúp các cặp vợ chồng có cơ hội sinh con chính chủ khỏe mạnh.
Tại IVFTA, tỷ lệ thành công trung bình của một chu kỳ IVF đạt khoảng 71,5%. Với cặp đôi từ 28-35 tuổi, tỷ lệ này đạt tới 80%.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.